Rào cản không dễ vượt qua giữa Mỹ và Saudi Arabia
Rào cản không dễ vượt qua giữa Mỹ và Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN
Đó là vấn đề giá dầu, khi đây có thể trở thành căn nguyên của những biến động trong năm 2019-2020. Trên mạng xã hội Twitter và các phỏng vấn truyền hình thời gian qua, ông Trump từng nhiều lần bình luận công khai về giá dầu và vai trò của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn dắt. Qua những thông điệp này, ông chủ Nhà Trắng đã cho thấy sự ủng hộ của mình đối với giá dầu tiêu chuẩn ở mức dưới 70 USD/thùng.
Những chỉ trích chung chung đối với OPEC thường không xuất hiện khi giá “vàng đen” duy trì thấp hơn ngưỡng 75 USD/thùng, song trong trường hợp ngược lại, thông điệp gay gắt của ông Trump ngay lập tức được hướng về Saudi Arabia và một số quốc gia Vùng Vịnh khác.
Trên thực tế, Mỹ đang ngày càng trở thành một nhà sản xuất và tiêu thụ xăng dầu lớn, vì thế tác động chính của việc thay đổi giá “vàng đen” không còn được cảm nhận thông qua cán cân thanh toán bên ngoài mà thay vào đó là phân phối thu nhập trong nước.
Giá xăng dầu tăng sẽ “dịch chuyển” thu nhập từ người tiêu dùng, người sử dụng phương tiện cá nhân và các khu công nghiệp ở vùng Midwest nước Mỹ sang những nhà khai thác và các bang sản xuất dầu mỏ chủ chốt như Texas, Oklahoma, North Dakota và Alaska.
Giới phân tích đã chỉ ra rằng, nhóm đối tượng thứ nhất chính là những cử tri đã góp phần giúp ông Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016 và có khả năng một lần nữa một người lái xe ở miền Tây nước Mỹ sẽ lại bỏ phiếu cho ông Trump trong kế hoạch tái tranh cử năm 2020 chứ không phải là một thợ khoan dầu ở Texas.
Tổng thống Trump sẽ đứng trước rủi ro đánh mất nhiều cử tri ủng hộ hơn từ việc tăng giá xăng dầu và điều này giải thích tại sao những thông điệp của ông trên Twitter lại tập trung vào những lợi ích từ giá “vàng đen” thấp hơn.
Những bình luận gần đây của ông Trump cũng cho thấy mối quan tâm lớn đối với sự mong manh của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm lại và giá dầu ở mức tương đối thấp sẽ giúp cân bằng và hỗ trợ duy trì đà tăng trưởng.
Ở chiều ngược lại, Saudi Arabia cần giá dầu ở ngưỡng trên 70 USD/thùng và thậm chí cao hơn 80 USD/thùng để củng cố ngân sách của chính phủ, đầu tư cho những kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế đắt đỏ và giúp bù đắp cho cán cân thanh toán quốc gia.
Theo Cơ quan quản lý tiền tệ của Saudi Arabia, tổng dự trữ tài sản nước ngoài của quốc gia này là khoảng 497 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2018 và không thay đổi so với cùng kỳ năm 2017. Vương quốc này cần duy trì một một nguồn dự trữ thanh khoản đủ lớn để củng cố niềm tin, trong bối cảnh tỷ giá đồng nội tệ riyal của Saudi Arabia được "neo" theo đồng USD và Riyadh sẽ không muốn để dự trữ tài sản của mình bị giảm quá sâu.
Trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018, giá dầu cao hơn và việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy ra bên ngoài đã đẩy dự trữ tài sản của Saudi Arabia tăng từ 485 tỷ USD lên 507,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, giá dầu suy giảm thời gian qua cùng với việc tăng chi tiêu của chính phủ và nới lỏng một số biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khiến dự trữ tài sản quốc gia sụt giảm gần 23 tỷ USD từ tháng 9/2018 đến cuối tháng 2/2019. Tính đến thời điểm đó, tổng tài sản dự trữ của Saudi Arabia đã giảm xuống còn 484,6 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2011.
Saudi Arabia vẫn còn những nguồn lực tín dụng chưa sử dụng như bán bớt các tài sản thuộc sở hữu nhà nước hoặc vay mượn bên ngoài dựa trên những nguồn thu tương lai của Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco.
Việc bán bớt tài sản và vay mượn bên ngoài có thể giúp Riyadh có thêm thời gian điều chỉnh, song cán cân ngân sách quốc gia và vị thế tài chính của Saudi Arabia sẽ không bền vững trong dài hạn nếu giá dầu dao động dưới ngưỡng 70 USD/thùng.
Rõ ràng, mâu thuẫn trực tiếp đã xuất hiện giữa chiến lược tái tranh cử Tổng thống của Trump, với giả định giá dầu dưới mức 70 USD/thùng, và chiến lược kinh tế-chính trị của Saudi Arabia, với nhu cầu đưa giá “vàng đen” vượt ngưỡng 70 USD/thùng.
Điều này sẽ tạo ra một căng thẳng kéo dài, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo vào tháng 11/2020, cho dù cả hai phía đều sẽ cố gắng kiềm chế nhằm duy trì hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau.
Saudi Arabia cần sự hỗ trợ của ông Trump để tiếp tục giải quyết cuộc nội chiến ở Yemen và rộng hơn là cô lập đối thủ khu vực Iran. Đổi lại, ông Trump cần sự ủng hộ của Saudi Arabia để kiềm chế Iran và theo đuổi giải quyết tranh chấp giữa Israel và Palestine.
Tuy nhiên, về cơ bản, mối quan hệ này là bất bình đẳng và Nhà Trắng kỳ vọng Saudi Arabia sẽ có những bước đi điều tiết thị trường dầu mỏ để đảm bảo giá dầu không tăng quá cao.
Cụ thể, ông chủ Nhà Trắng muốn Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng trong nước để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào từ Iran và Venezuela ngay cả khi giá dầu dưới mức 70 USD/thùng trong bối cảnh Washington đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai nhà sản xuất dầu mỏ này.
Nhưng Saudi Arabia đã phát đi tín hiệu rằng quốc gia này không cần bù đắp lượng dầu thiếu hụt cho đến khi giá “vàng đen” tăng cao hơn.
Hiện tại, giới phân tích cho rằng căng thẳng này có thể được kiểm soát bằng một số chính sách ngoại giao khéo léo, nhưng nó có thể bùng phát mạnh mẽ nếu giá dầu tăng vượt ngưỡng 75 USD/thùng, trong khi Mỹ tiếp tục thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran hoặc nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.