|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Rạng Đông phải chịu trách nhiệm gì sau vụ cháy khiến dân 'di cư'?

10:36 | 10/09/2019
Chia sẻ
Sau sự cố cháy “đã làm bận tâm, phiền hà đến lãnh đạo thành phố, ảnh hưởng tới sức khỏe của lực lượng PCCC và đặc biệt tới nhân dân,” Rạng Đông liệu có phải đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả?
Rạng Đông phải chịu trách nhiệm gì sau vụ cháy khiến dân 'di cư'? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy Rạng Đông nhìn từ chung cư 54 Hạ Đình (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+).

Sau 12 ngày xảy ra sự cố cháy nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đến hôm nay, cơ quan chức năng đã đưa ra kết quả quan trắc, doanh nghiệp thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng; khoảng 15,1kg đến 27,2kg thủy ngân đã bị phát tán ra môi trường...

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo xử lý hậu quả của vụ cháy, chưa rõ ràng kết quả.

Sau gần một tuần đưa ra thông báo nội dung “Vật tư sản xuất bóng đèn Rạng Đông an toàn ngay cả khi cháy,” lãnh đạo Công ty Rạng Đông cũng đã có thư xin lỗi gửi lãnh đạo Hà Nội, thừa nhận: “Đám cháy đã ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của bà con. Đặc biệt lửa cháy lớn, khói tro bụi kèm theo đã làm ô nhiễm môi trường và không khí, đất và nước...”

Đến nay, nhiều hộ dân xung quanh, nhất là người dân sinh sống tại chung cư 54 Hạ Đình - khu vực ngay sát nhà máy của Công ty Rạng Đông đã phải "di cư" vì lo sợ ô nhiễm. Hơn 1.000 người đã đi khám sức khỏe. Hàng trăm phụ huynh Trường tiểu học Hạ Đình buộc phải cho con nghỉ học sau vụ cháy. Đa số người đi qua khu vực “điểm nóng” đều bịt khẩu trang kín mít.

Vậy, sau sự cố cháy mà trong thư xin lỗi nêu là: “Đã làm bận tâm, phiền hà đến lãnh đạo thành phố, quận Thanh Xuân, ảnh hưởng tới sức khỏe của lực lượng phòng cháy chữa cháy và đặc biệt tới nhân dân 2 phường sát công ty (Thanh Xuân Trung và Hạ Đình-pv),” Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm gì với Nhà nước, chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân sinh sống xung quanh khu vực bị ảnh hưởng?

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với với Luật sư Nguyễn Trọng Việt - Giám đốc Công ty Luật Tầm Nhìn Viets (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Khắc phục ô nhiễm, bồi thường thiệt hại cho người dân

- Theo luật sư, trong sự cố cháy tại Công ty Rạng đông vừa qua, đơn vị này cần có trách nhiệm gì với Nhà nước, chính quyền đia phương và người dân?

Luật sư Nguyễn Trọng Việt: Chiều ngày 5/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp thông báo công khai về nguyên nhân vụ cháy nhà máy Công ty Rạng Đông. 

Theo đó, bước đầu phát hiện 1 bóng đèn compact bật 24/24h, mặc dù cầu dao dập nhưng không bao giờ bị tắt. Nhận định ban đầu, có thể một bóng đèn trên tầng 3 của kho hàng (không bao giờ tắt) chập cháy rơi xuống thùng carton đựng hàng dẫn đến vụ cháy.

Trên cơ sở thông tin trên, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, tôi nhận định, trong vụ cháy này có lỗi vô ý trong việc quản lý, vận hành nhà máy của Công ty Rạng Đông. Bởi lẽ, việc để nguồn điện thắp sáng 1 bóng đèn 24/24h rõ ràng luôn tiềm ẩn nguy cơ chập điện, cháy trong nhà máy có khối lượng nguyên vật liệu sản xuất và hóa chất lớn.

Thực tế, vụ cháy nhà máy Công ty Rạng Đông không chỉ làm thiệt hại cho bản thân công ty, mà đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, sức khỏe và môi trường sống của các hộ dân xung quanh khu vực. Xem xét các nguyên nhân và hậu quả nêu trên, căn cứ khoản 10 Điều 3, khoản 1 Điều 112 - Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, có thể thấy vụ cháy nhà máy Rạng Đông đã gây ra sự cố môi trường, làm ô nhiễm môi trường.

Đối với sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy, Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình điều tra, xác định phạm vi, giới hạn, mức độ, nguyên nhân, biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường; tiến hành ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong vùng.

Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật có liên quan; báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường việc ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.

Đối với thiệt hại về tài sản và sức khỏe của các hộ dân xung quanh, trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty Rạng Đông. Việc bồi thường phải được thực hiện theo nguyên tắc “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.”

Bởi lẽ, căn cứ Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, thủy ngân - nguyên liệu sản xuất trong nhà máy chính là các loại nguồn nguy hiểm cao độ và chủ sở hữu nguồn nguy hiểm này là Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các hộ dân xung quanh cả khi không có lỗi trong trường hợp này.

Cùng với Điều 601, Điều 602 Bộ Luật Dân sự cũng quy định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.”

Ngoài ra, việc bồi thường thiệt hại cho các hộ dân xung quanh có thể sẽ được chi trả bởi Công ty bảo hiểm mà Công ty Rạng Đông tham gia, nếu trường hợp vụ cháy của Công ty Rạng Đông thuộc trường hợp được Công ty bảo hiểm chi trả theo Hợp đồng bảo hiểm đã ký.

Tuy nhiên, kể cả có hay không có bảo hiểm, Công ty Rạng Đông vẫn phải chịu trách nhiệm chính và trước tiên đối với thiệt hại của các hộ dân và sự cố môi trường lần này.

Rạng Đông phải chịu trách nhiệm gì sau vụ cháy khiến dân 'di cư'? - Ảnh 2.

Hiện trường còn lại sau vụ cháy Công ty Rạng Đông. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Công khai phạm vi ô nhiễm và thiệt hại về môi trường

- Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần làm gì trong việc xử lý sự cố, hỗ trợ người dân, giám sát doanh nghiệp, kể cả tiến trình đánh giá thiệt hại và vấn đề bồi thường, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Trọng Việt: Căn cứ Điều 111, 112 - Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đối với sự cố môi trường để lại sau vụ cháy Rạng Đông, các cơ quan ban ngành và ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn; kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi ô nhiễm và thiệt hại về môi trường phải được công khai.

Các lực lượng công an phòng cháy chữa cháy, điều tra cần thực hiện điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy; lập, thống kê thiệt hại làm căn cứ giải quyết vụ việc về sau. 

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kịp thời tiếp nhận phản ánh, đơn thư khiếu kiện của người dân và giải quyết đúng theo trình tự quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.

- Theo lộ trình, Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông sẽ phải di dời về khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) nhưng đến nay, doanh nghiệp dường như vẫn “án binh bất động". Theo luật sư, trách nhiệm thuộc về ai?

Luật sư Nguyễn Trọng Việt: Trên cơ sở Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2016, thành phố Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông sẽ di dời về khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) để nhường đất cho mục đích sử dụng khác hiệu quả hơn.

Căn cứ Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; căn cứ Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày  31/12/2017 của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Công ty Rạng Đông có trách nhiệm chủ động lập phương án, tiến hành thực hiện di dời nhà máy theo đúng thời hạn, lộ trình thành phố Hà Nội đề ra.

Tuy nhiên, như báo chí phản ánh, đến nay Công ty Rạng Đông vẫn “án binh bất động.” Theo tôi, nếu Công ty Rạng Đông vẫn cứ tiếp tục chậm chạp, không chịu thực hiện di dời nhà máy là sai và phải chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này.

Có thể bị cưỡng chế di dời

- Trường hợp Công ty Rạng Đông nằm trong lộ trình phải di dời, nhưng thực tế chậm di dời và để xảy ra sự cố cháy nghiêm trọng thì có cần áp dụng biện pháp di dời khẩn cấp không?

Luật sư Nguyễn Trọng Việt: Căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và lộ trình di dời của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Công ty Rạng Đông phải thực hiện di dời theo thời hạn quy định.

Chúng ta đều hiểu, việc di dời một nhà máy lớn như Rạng Đông không phải là vấn đề đơn giản vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như năng lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, người lao động, đầu tư công nghệ xử lý chất thải…

Tuy nhiên, Công ty Rạng Đông sẽ phải thực hiện di dời đúng thời hạn Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đặt ra. Nếu cứ chậm trễ không di dời, quá thời hạn, Công ty Rạng Đông có thể sẽ bị cưỡng chế di dời.

Trong trường hợp, nhà máy Rạng Đông vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất do chưa kịp di dời trong thời hạn UBND TP cho phép chủ động tiến hành di dời (trong khi điều kiện kỹ thuật, công nghệ của nhà máy không đảm bảo, không thực hiện các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng), Công ty Rạng Đông có thể sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc di dời nhà máy trước thời hạn.

- Theo quy định, sau khi di dời, khu đất Công ty Rạng Đông sẽ được xử lý thế nào?

Luật sư Nguyễn Trọng Việt: Việc xử lý khu đất nhà máy của Công ty Rạng Đông như thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào loại đất, thời hạn sử dụng, quyền hạn sử dụng đất của Công ty Rạng Đông và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với khu đất này.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 6 Luật đất đai năm 2013, việc sử dụng đất phải thực hiện theo nguyên tắc sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Do vậy, việc xử lý khu đất của Công ty Rạng Đông sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, vì Công ty Rạng Đông là công ty được cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước nên có thể đất làm nhà máy ở quận Thanh Xuân là tài sản công. Do vậy, khu đất này có thể sẽ được xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật nêu trên, khu đất này có thể được xử lý theo một trong các hình thức sau: Công ty Rạng Đông được giữ lại tiếp tục sử dụng; Cơ quan nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân khác; chuyển mục đích sử dụng đất hoặc chuyển giao về địa phương để quản lý, sử dụng.

- Trân trọng cảm ơn luật sư!

Hùng Võ