|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Rạn nứt bên trong NATO xuất hiện trước khi ông Trump lên nắm quyền?

20:15 | 07/04/2019
Chia sẻ
Trả lời Sputnik nhân kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, Tổng biên tập Tạp chí địa chính trị trực tuyến The Indicter cho rằng những bất đồng và rạn nứt bên trong NATO xuất hiện trước thời ông Trump.
Rạn nứt bên trong NATO xuất hiện trước khi ông Trump lên nắm quyền? - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Washington, DC, ngày 4/4 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sputniknews đưa tin, trả lời phỏng vấn hãng Sputnik nhân lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), giáo sư Marcello Ferrada de Noli, Tổng biên tập Tạp chí địa chính trị trực tuyến The Indicter cho rằng những bất đồng và rạn nứt bên trong NATO đã xuất hiện trước thời kỳ Tổng thống Mỹ Donal Trump.

Theo ông Noli, phân tích về một khoảng thời gian rộng hơn sẽ cho thấy rằng sự xuống cấp của NATO - theo kịch bản châu Âu - đã bắt đầu sớm hơn nhiều.

Chuyên gia này lưu ý: "Ví dụ, chúng ta thấy các nước NATO đã từng từ chối tham gia một chiến dịch chung ở Afghanistan, không thống nhất trong sáng kiến lực lượng vũ trang Liên minh châu Âu (EU), quan sát thấy bất đồng thường xuyên xuất hiện về các lệnh trừng phạt hoặc về các sáng kiến/biện pháp kinh tế chống Nga...."

Sau 70 năm, NATO đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đe dọa sự tồn tại của khối. Đích thân ông Trump đã gọi liên minh quân sự này là một tổ chức lỗi thời và không ít lần tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi.

Ông Trump cũng đã kêu gọi các thành viên châu Âu trong NATO đóng góp lớn hơn nữa cho ngân sách quốc phòng của liên minh.

Tuy nhiên, giáo sư Noli khẳng định rằng không phải đến khi ông Trump lên nắm quyền và liên tiếp đưa ra các chỉ trích, nội bộ NATO mới bị "lục đục."

Bình luận về việc ông Trump kêu gọi tăng đóng góp cho ngân sách liên minh, ông Noli cho rằng điều này cũng đồng nghĩa với việc ông Trump muốn tăng các đơn đặt hàng cho ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ.

Ông Noli lưu ý: "Sự gia tăng ngân sách quốc phòng từ các quốc gia riêng lẻ với mục đích tăng cường khả năng quân sự của chính họ, đồng nghĩa với khả năng họ sẽ mua vũ khí mới từ các nước NATO khác.

Và như tôi đã lưu ý ở trên, Mỹ là nhà sản xuất vũ khí hàng đầu. Cuối cùng, theo tôi, đây là một vấn đề kinh tế, chứ không chỉ là vấn đề chiến lược quân sự".