|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Rắc rối BOT và bóng ma nợ xấu': Đề xuất Bộ GTVT mua lại quyền thu phí

07:06 | 29/10/2019
Chia sẻ
Trong những dự án xây dựng hạ tầng theo hình thức BOT đang đối mặt tình trạng vỡ phương án tài chính do chính sách, chủ trương còn nhiều bất cập, có dự án xây cầu Văn Lang. Chủ đầu tư dự án này đang tính đến chuyện trả lại dự án cho nhà nước.

Năm 2015, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang) theo hình thức BOT. 

Công trình này có nhiệm vụ nối thông tuyến QL32 với QL32C, cùng với đó là giảm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp giữa tỉnh Phú Thọ và thành phố Hà Nội thông qua QL32.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, sau gần 2 năm thi công, cuối năm 2018 công trình cầu Văn Lang đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và chủ đầu tư (Công ty TNHH BOT Phú Hà) tổ chức thông xe.

Ngoài đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu, Bộ GTVT còn cho biết, sau khi dự án được nhà đầu tư trình phương án quyết toán, tổng mức đầu tư dự án giảm xuống chỉ còn 1.100 tỷ đồng (giảm 22%). 

Vậy nhưng, chỉ sau 6 tháng đi vào hoạt động và tổ chức thu phí phương tiện, dự án đang phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc rất lớn về doanh thu, ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ ngân hàng và hoàn vốn dự án.

Cụ thể, theo thống kê của nhà đầu tư gửi Bộ GTVT, từ ngày đi vào hoạt động đến nay, lượng xe qua lại trạm thu phí hoàn vốn cho dự án được đặt ở đường dẫn cầu Văn Lang chỉ đạt 1.459 xe ngày. 

Trong khi đó, phương án tài chính đưa ra là 2.846 xe/ngày (bằng 45-50% kế hoạch). Doanh thu thực tế theo ngày của trạm chỉ đạt 66 triệu đồng/ngày đêm, trong khi phương án tài chính là 150 triệu đồng/ngày (bằng 43% kế hoạch).

Tương tự, tại các dự án như BOT khác trên địa bàn Phú Thọ như: Dự án xây đường Hồ Chí Minh đoạn QL32 đến Hương Nộn và nâng cấp, cải tạo QL32 đoạn từ cầu Cổ Tiết đến cầu Trung Hà; Dự án cầu Hạc Trì (cầu Việt Trí mới) nằm trên QL2 bắc qua sông Lô cũng đang gặp tình trạng tương tự. 

Những dự án này khi hoàn thành và đã phát huy hiệu quả đầu tư nhưng phương án tài chính vẫn chưa đạt và đang có nguy cơ bị vỡ.

Lý giải cho tình trạng trên, trong văn bản báo cáo Bộ GTVT vừa qua, đại diện các nhà đầu tư những dự án trên cho biết, nguyên nhân chính của dự án có doanh thu thấp hơn rất nhiều so với phương án tài chính. 

Việc áp dụng vé tháng, vé quý cho các phương tiện hiện nay chiếm từ 30% tổng doanh thu; Lưu lượng xe qua cầu đã bị phân tán bởi các tuyến đường phát sinh về sau, hoàn toàn không xảy ra khi so với phương án tài chính được xây dựng ban đầu.

Cụ thể, trạm thu phí cầu Việt Trì cũ đã miễn toàn bộ phí cho ô tô từ 9 chỗ trở xuống; xuất hiện tuyến đường tránh trạm thu phí BOT Hùng Thắng trên QL32 do chính UBND tỉnh Phú Thọ đầu tư; đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai hoàn thành tuyến đường từ nút giao IC7 đi thẳng vào thành phố Việt Trì…

Vậy “nếu tình hình hiện tại không có những thay đổi, sẽ không chỉ nhà đầu tư và các dự án trên bị phá sản, mà các ngân hàng tài trợ vốn vay cũng lâm vào tình trạng lao đao do nợ xấu tăng”, đại diện các nhà đầu tư cảnh báo trong văn bản gửi Bộ GTVT.

Nhà đầu tư muốn trả dự án

Đề cập cụ thể những khó khăn đang xảy ra tại dự án của mình, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty Phú Hà (nhà đầu tư cầu Văn Lang) cho biết, khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là nguồn thu thực tế chưa đáp ứng được 25% mức chi phí lãi vay ngân hàng (hiện tại, doanh nghiệp phải trả 100 tỷ đồng/năm lãi vay ngân hàng). Riêng nợ gốc, chủ đầu tư còn chưa dám tính toán đến. 

“Như vậy, theo tính toán sơ bộ, với trường hợp doanh thu không tăng hoặc tăng trưởng lưu lượng phương tiện chậm, phí không tăng, dự án sẽ lỗ lũy kế khoảng 75 tỷ đồng/năm tính vào khoản vay gốc. Nguy cơ vỡ phương án tài chính dẫn đến doanh nghiệp, dự án phá sản đang rất gần ở phía trước”, ông Nghĩa thông tin.

Đề cập hướng có thể tháo gỡ cho thực trạng này, ông Nghĩa cho biết, đơn vị vừa có văn bản “kêu cứu” gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Theo đó, văn bản số 451 do chính ông ký, đề nghị: Thứ nhất, Bộ GTVT xem xét, báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ có phương án hỗ trợ đặc biệt với nhà đầu tư hoặc đưa ra các phương án khác, nhằm tháo gỡ cho các nhà đầu tư BOT tại Phú Thọ cũng như nhà đầu tư BOT trong ngành GTVT trên cả nước. 

Thứ hai, nhà đầu tư sẵn sàng trả dự án để Bộ GTVT mua lại quyền thu phí, giúp doanh nghiệp và ngân hàng không rơi vào tình cảnh xấu nhất.

Đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi một số dự án BOT do triển khai vội vã, ồ ạt đã bị người dân phản ứng, Chính phủ đã có những điều chỉnh cho phù hợp. 

Cụ thể, Chính phủ đã liên tiếp ban hành các Nghị định 108 và Nghị định 64 để “bịt” các lỗ hổng trong đầu tư theo hình thức BOT.

Với các dự án đang có doanh thu thấp do lưu lượng không đảm bảo, vì bị ảnh hưởng của các dự án sau đó, cùng với rà soát-đánh giá lại tình trạng hoạt động, Bộ GTVT nên đề xuất cơ chế xử lý. 

Bộ nên báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà đầu tư tại các dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng theo các quy định mới. Như vậy, sẽ giúp nhà đầu tư vừa giải quyết khó khăn vừa tiếp tục duy trì vận hành dự án. 

Nhà đầu tư sẵn sàng trả dự án để Bộ GTVT mua lại quyền thu phí, giúp doanh nghiệp và ngân hàng không rơi vào tình cảnh xấu nhất.

Anh Trọng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.