'Quyền lực mềm' của tân Chủ tịch CLB doanh nhân 2030
Tài năng của nữ doanh nhân bị hút ra ngoài máy bay nổ động cơ | |
Lời chia sẻ cay đắng, trần trụi của 1 doanh nhân |
CEO Trần Thị Thanh Hằng (người ngồi giữa), tân chủ tịch CLB doanh nhân 2030. |
Trần Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch HĐQT kiêm CEO Viện đào tạo Doanh chủ, nữ chủa tịch đầu tiên của CLB Doanh nhân 2030 sau 8 nhiệm kỳ. Tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế vận tải biển tại trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, ước mơ trở thành thuyền trưởng lại dẫn dắt chị trở thành một doanh nhân.
Nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều trường đại học về các lĩnh vực chứng khoán, pháp luật kinh tế… chị đã tích lũy kinh nghiệm quản lý để có thể song hành vai trò giảng dạy và kinh doanh một cách hiệu quả.
Hiểu được sức mạnh của bản thân và tập thể, luôn biết cách tạo động lực làm việc trong doanh nghiệp và hội đoàn bằng “quyền lực mềm” uyển chuyển của một thiên tính nữ, chị đã đưa Viện đào tạo Doanh chủ vượt qua nhiều thăng trầm, để trở thành một địa chỉ uy tín cho giới nghiệp chủ.
Từng giữ nhiều vị trí khác nhau như CEO Công ty CP Phát Phát, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Hồng Ngân, Trưởng ban kiểm soát Công ty CP Kỹ nghệ Đô Thành, thành viên ban kiểm soát của Công ty CP Dược phẩm An Giang, Chủ nhiệm CLB Nhà đầu tư cá nhân,…chị đã trở thành vị lãnh đạo nữ đầu tiên của CLB doanh nhân 2030, đánh dấu một thời kỳ bứt phá mới của những doanh nhân trẻ.
Một người phụ nữ nhỏ nhắn như chị vì sao lại chọn vào ngành hàng hải, một ngành vốn dành cho phái mạnh? Dường như chị có ý thức từ rất sớm về việc học để trở thành một leader?
CEO Trần Thanh Hằng: Câu chuyện về nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trong cơn bão lịch sử số 5 năm 1997 đã quyết định đổ bỏ 50 tấn cá cơm xuống biển Kiên Giang, tự mình cầm lái con tàu chống chọi với sức gió giật cấp 12, bất chấp hiểm nguy cứu sống 36 mạng người thoát chết đã ám ảnh tôi suốt một thời tuổi trẻ và tôi mơ ước một ngày mình sẽ được làm thuyền trưởng.
Nhưng khi thi vào Đại học Hàng Hải rồi mới phát hiện ra nữ không được học thuyền trưởng, thế là phải chuyển qua ngành kinh tế biển.
Ra trường thầy cô thương, giữ lại trường làm giảng viên từ năm 2000, nhờ ngôi trường này mình trở thành công dân Sài Gòn, vì quê mình vốn ở Mỹ Tho. Thời đó đi dạy, mình rất ghét kiểu đọc chép, nên luôn lồng ghép những kiến thức thực tế, những cuộc giao lưu trao đổi giữa thầy và trò, khiến sinh viên rất thích. Chính điều đó thôi thúc mình làm thêm kinh doanh bên ngoài, để có những bài học thực tiễn thuyết phục hơn, theo kịp thời đại hơn trong giảng dạy.
Năm 2000, mình làm đề tài chứng khoán khi Sài Gòn chưa có Sở giao dịch chứng khoán, được những anh chị đầu tiên trong ngành chứng khoán hướng dẫn, từ đó bén duyên với chứng khoán và lập Công ty CP Tư vấn đầu tư chứng khoán Phát Phát cùng anh Phạm Uyên Nguyên, anh Khánh…
Vừa dạy, vừa làm, do tính mình thích cầu thị, cầu tiến, không thích chọn việc quá nhẹ nhàng như nghề giáo, nên năm 2007 mình chính thức xin nghỉ dạy để toàn tâm toàn ý cho công ty hơn, vì kinh doanh phù hợp với tính cách mình, một người khá năng động, không quá mạo hiểm, thực tế, tự quyết được.
Nhưng sau đó, cuộc đời đưa đẩy, mình vẫn cứ song song vừa giảng dạy, vừa kinh doanh.
Viện đào tạo Doanh chủ ra đời từ rất sớm, khi nền kinh tế đang khởi sắc, nhưng những cơn bão khủng hoảng đã nhấn chìm nhiều doanh nghiệp trong ngành đào tạo mới mẻ này, làm thế nào để chị có thể trụ vững và tạo dựng thành công đến hôm nay?
CEO Trần Thanh Hằng: Nhóm sáng lập công ty gồm 4 người rất nổi tiếng là anh Hoàng Quốc Việt, chủ tịch Nguyễn Hoàng Group, anh Uyên Nguyên, Nguyễn Tuấn Quỳnh, Trường An… toàn những đại gia tài chính rất năng động, với khát vọng xây dựng đội ngũ doanh nhân có thể tự chủ tài chính, đẩy được công ty của mình lên cao nhất qua đào tạo con người.
Bốn đại gia, bốn đại ca, toàn sao không à, nên không ai làm cụ thể cả, phải thuê một bạn làm CEO. Năm 2008 khi kinh tế bắt đầu xuống dốc, các trường đào tạo doanh nhân hầu hết phá sản, mấy anh thấy CEO đuối, muốn mình về thay. Một lần nữa cơ duyên lại đưa về lãnh vực đào tạo.
Mọi thứ lúc ấy với mình mới mẻ lắm, ngoài làm giảng viên còn phải quản lý toàn những giảng viên tầm cỡ không à. Mình vừa phải học thêm về quản lý, vừa học cách đối nhân xử thế, để biết khiêm tốn, tạo sự gắn kết lâu dài…
Chị Trần Thị Thanh Hằng trong một sự kiện của CLB 2030 |
Ông xã mình cũng hỗ trợ rất nhiều trong quản lý doanh nghiệp, anh ấy dụng chạm nhiều, có nhiều kinh nghiệm, học bên ngoài không bằng học anh ấy, bây giờ mọi thứ đã ổn. Năm 2010 mình tập trung xây dựng thương hiệu, và mua lại gần hết cổ phần, chọn đây là nơi neo đậu cho sự nghiệp.
Mình nhớ mãi thời điểm khủng hoảng đó, có lúc trường về số không, chỉ có khóa học, có giảng viên, thậm chí không còn tiền trả lương giảng viên luôn… Mình phải đứng ra thuyết phục các anh chị giảng viên để cùng trường chia sẻ khó khăn, vượt qua giai đoạn này. Áp dụng vài tháng, doanh số tăng hẳn, mấy anh chị thay đổi tư duy, làm việc hết mình, sống còn với công ty luôn
Nhưng để được chọn là một leader của CLB doanh nhân 2030, với những con người đầy cá tính, chẳng ai chịu ai, hẳn là không hề đơn giản?
CEO Trần Thanh Hằng: Ngay từ khi bước vào kinh doanh, tôi đã có ý thức tham gia vào một nhóm nào đó để xây dựng cộng đồng, bạn bè, vì thế mình rất năng nổ. Theo tôi, yếu tố lãnh đạo quan trọng nhất là hiểu mọi người, biết khiêm tốn, nhường nhịn, biết lắng nghe, giữ uy tín, lý lẽ phải trái đàng hoàng.
Quyết định gắn với 2030, tôi học hỏi được nhiều hơn, tư duy mình thay đổi, có nhiều mối quan hệ, xả stress nhiều lắm. Tôi tham gia 4 nhiệm kỳ rồi, số lượng người thân ngày càng cao lên, uy tín mình cũng có với họ.. Thân nghĩa là bất kỳ lúc nào bạn cần đều có thể giúp nhau, dù có thể không gặp nhau thường xuyên.
Cuối cùng tôi đúc kết mình được như bây giờ là nhờ có uy tín, marketing hiệu quả nhất là truyền miệng, thiếu người nào 1 đồng cũng mang tiếng, thà đứng thiếu. Tôi không có bất cứ scandan nào hết, đặc biệt chuyện tiền bạc rất rạch ròi, luôn đặt mình ở vị trí người khác.
Chị từng chia sẻ về cách quản trị bằng tình yêu thương, đó có phải là “quyền lực mềm” mà chỉ riêng phụ nữ mới thấu hiểu và biết cách ứng dụng linh hoạt nhất?
CEO Trần Thanh Hằng: Mình thực ra không giỏi, nhiều anh chị trong CLB 2030 giàu hơn, doanh số cao hơn mình nhiều… nhưng các bạn vẫn thích mình làm chủ tịch, có lẽ thấy mình giải quyết việc gì cũng không xử theo kiểu độc đoán, chuyên quyền. Làm việc hội đoàn không thể áp dụng quyền lực, nên chỉ thuyết phục nhau bằng chính kiến thực sự.
Có những anh chị rất giàu, nhưng không chinh phục được mọi người bằng cái tâm, làm hội đoàn là để cho mọi người tỏa sáng chứ không phải để mình tỏa sáng, không thể đặt mình lên trên người khác, nhờ vậy được mọi người thương.
Mình hay nói với các anh chị trước khi quyết định vấn đề gì có quyền tranh luận thoải mái, nhưng khi chốt vấn đề rồi thì tất cả sẽ cùng nhau thi hành, không tranh luận nữa. Mình đưa ra những quy định để các anh chị đồng hành với nhau
Trước giờ mình là người chuyên giải quyết xích mích vì biết nhịn, có cách nói khó léo, không xử lý theo kiểu quyền lực, thuyết phục bằng lý lẽ, vì mục đích cuối cùng là vì CLB.
Có những lần liên quan tới tiền bạc, có người chi không đúng mục đích, nhiều người không thích nhưng không nói thẳng, chỉ nói sau lưng, gây nghi ngờ sau đó mình phải xây dựng khá nhiều nguyên tắc, kể cả tài chính cho 2030.
Trong một tập thể trẻ tính cách ai cũng mạnh mẽ, ai cũng có tài, có cái tôi, mình làm sao thuyết phục? Chỉ bằng cách nói chuyện ngọt ngào thôi. Trước mỗi sự vụ, mình không thể nghe 1 chiều, phải tìm hiểu kỹ lắm, dành thời gian cho nó, sau khi giải quyết được mâu thuẫn, anh em thấy vui lắm, tràn đầy cảm xúc để làm tiếp.
2030 đang bước vào nhiệm kỳ 9 với nhiều bứt phá, trách nhiệm nặng nề nhất của chị là gì?
CEO Trần Thanh Hằng: Thế mạnh của 2030 từ trước tới giờ là hoạt động thiện nguyện xã hội cộng đồng, nhưng chưa mạnh trong kết nối kinh doanh để giúp từng thành viên. Trách nhiệm của BCH nhiệm kỳ này phải giúp hội viên phát triển doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu kết nối giao thương, tạo thành một Bizgroup.
Với các hoạt động kết nối, thiết kế web để giao thương, quảng bá mạnh hơn cho hội viên, những tọa đàm cho chủ doanh nghiệp, huấn luyện cho nhân viên của doanh nghiệp.
May mắn mấy bạn trong ban chấp hành nhiệm kỳ này toàn trẻ, năng động, muốn cống hiến rất sung sức. Mình rất vui khi nhận được phản hồi tích cực của các hội viên, có bạn nhắn “Ai nói phụ nữ không làm được chủ tịch giỏi, thậm chí còn sung hơn”.
Mình không cần phải làm, mà kích thích tinh thần để anh em cùng làm. Bản năng mình đã có vậy rồi chứ mình nghĩ toàn mấy ông đầu có sạn không à không khí hoạt động ầm ầm, khí thế lắm.
Và cuối cùng, hạnh phúc đã mỉm cười với chị cũng từ CLB này?
CEO Trần Thanh Hằng: Trải qua một thời gian dài làm việc hội, gắn bó với nhiều con người khác nhau, giống như những cuốn sách hay mà mình phải đọc, qua điểm sống, quan điểm kinh doanh của họ, trải nghiệm của họ… đội ngũ BCH 2030 là những con người rất tuyệt vời…
Tôi lấy chồng cũng là một chàng trong 2030, trong dịp chinh phục đỉnh Fansipan, tôi đã nhìn ra tính cách con người của anh ấy. Đó là Vũ Tiến Thập, CEO D’Furni, một người sống lạc quan, biết vì đồng đội. Nhờ chuyến đi đó mà anh ấy cũng để ý đến mình, cô gái hay cười nhất trong đoàn, rồi yêu luôn. Khi ấy anh đang có chuyện buồn, thấy mình vui, tràn đầy năng lượng, nên tìm cách làm quen.
Hai người “cảm” nhau nhất điều gì?
CEO Trần Thanh Hằng: Cả hai đều đã đổ vỡ hôn nhân lần đầu, và có con riêng, nên để đến được với nhau cũng phải đắn đo, chọn lựa kỹ lắm. Hoạt động hội đoàn rất dễ nảy sinh tình cảm, nhưng với anh Thập, mình chọn bởi tin rằng anh là người không bao giờ lăng nhăng. Tính mình hay ghen lắm, nên phải chọn người chồng cũng kinh doanh, để hợp mình về tư duy, và là người chung thủy.
Gia đình hạnh phúc của chị Trần Thị Thanh Hằng và doanh nhân Vũ Tiến Thập, CEO D’Furni |
Mình phải chọn yếu tố nào cần thiết nhất thôi, như phải yêu thương gia đình, yêu thương công việc, không lăng nhăng… không quan tâm đến những tiểu tiết khác, kể cả tiền, bởi bản thân mình đâu có hoàn hảo mà đòi hỏi người khác quá nhiều.
Hai leader ở với nhau, ai phải “chịu” ai?
CEO Trần Thanh Hằng: Mình hay nói đùa với bạn bè “tớ không cần lấy đại gia, lấy tiểu gia cũng được nhưng về sẽ giúp anh thành đại gia”. Anh Thập thuộc diện chuyên quyền, muốn vợ nghe lời răm rắp, nhưng mình làm gì cũng phải chinh phục anh có lý có tình…thì anh không trách mình được nữa…
Hai người làm nghề hoàn toàn khác nhau cũng bổ sung cho nhau rất tốt về mối quan hệ, về khách hàng, về sản phẩm. Mọi thứ đều nhân đôi, nhà nhân đôi, tài sản nhân đôi, kinh nghiệm quản lý, marketing nhân đôi, bạn bè cũng nhân đôi.
Trong quản trị, công ty anh quy mô ngày càng lớn, thị trường còn quá lớn. Mình cũng là chủ doanh nghiệp, khi cùng ngồi với anh trong công ty thì anh có thể bác bỏ ý kiến của mình. Nên quyết định ngồi cùng, hỗ trợ nhau thì phải có quy tắc nhất định, có thể tranh cãi quyết liệt, nhưng trên tinh thần tôn trọng tổ chức, và khi đã quyết thì thực hiện đúng như thế.
Ở doanh nghiệp xây dựng văn hóa, thì ở nhà cũng phải xây dựng gia đạo. Mỗi ngày dù bận rộn đến đâu cũng phải có bữa cơm chiều với nhau. Đi đâu xa chắc chắn hai vợ chồng cùng đi, nếu không rất dễ vỡ…Tụi em có cái hợp là thích đi phượt cùng nhau, cầu tiến trong kinh doanh, có máu phiên lưu, thích hoạt động cộng đồng với cả tâm sức, tấm lòng và tiền bạc.
Theo chị, vì sao nhiều anh chị doanh nhân thành đạt, giàu có, nhưng lại hiếm khi giữ được hạnh phúc gia đình?
CEO Trần Thanh Hằng: Muốn giữ gìn hạnh phúc, người chồng phải biết quan tâm đến vợ, không chấp nhặt khi xung đột xảy ra. Anh Thập mê kiếm tiền dữ lắm, làm việc thâu đêm, nhưng trên hết phải biết dành thời gian cho gia đình.
Chia sẻ với những cặp vợ chồng doanh nhân, tôi thấy tan vỡ nhiều vì người vợ rơi vào đòi hỏi bạn đời nhiều quá. Hãy nhìn thấy điều quan trọng nhất để biết nó quý giá nhất, từ đó quên đi những tiểu tiết, cho anh ấy sự bình an, để họ làm việc được tốt hơn. Mái nhà phải là nơi họ cảm thấy bình an nhất. Vợ chồng tôi lại có con riêng nữa, làm thế nào để giữ hòa khí gia đình?
Nguyên tắc là không được bênh con riêng, có quyền góp ý cho các con, tự nhiên các con cảm thấy tình cảm. Dạy con phải bằng tình cảm, tình yêu thương, làm cho con yêu thương rồi thì nói gì con cũng nghe hết.
Nhiều người vợ không dám nói mong ước của mình với chồng. Mình phải nói thẳng mong ước của mình cho chồng biết, chứ đừng giữ trong lòng rồi lại buồn. Mình rất thích hoa, nên nói thẳng với anh điều đó.
Mình có già cũng thích lãng mạn nữa, lâu lâu anh lại gửi hoa đến cơ quan làm mình rất vui. Làm lãnh đạo thì cũng vẫn thích được cưng chiều, được là người phụ nữ nhỏ bé…