'Quy trách nhiệm rõ ràng nơi gây thất thoát lãng phí đầu tư công'
Chiều ngày 21/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Khắc phục phân bổ dàn trải, dở dang dự án
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV đã thông qua tổng số vốn đầu tư nguồn NSNN kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương 1,12 triệu tỷ đồng (vốn trong nước 820.000 tỷ đồng, bao gồm 260.000 tỷ vốn trái phiếu CP và vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Do mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 giảm khá lớn so với dự kiến ban đầu nên các Bộ, ngành Trung ương và địa phương gặp khó khăn, lúng trong trong việc điều chỉnh phương án phân bổ chi tiết. Tuy vậy, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo hết sức quyết liệt về việc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chưa gửi phương án phân bổ hoặc phân bổ không đúng quy định phải điều chỉnh phương án phân bổ chi tiết.
“Đến hết 28/2, Bộ, ngành, địa phương nào phân bổ không đúng quy định sẽ thực hiện cắt giảm, đưa vào dự phòng chung vốn đầu tư ngân sách Trung ương” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, tuy nhiên, Ủy ban TCNS – cơ quan thẩm tra nhận thấy, vẫn còn những dự án chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định Nghị quyết số 26,Luật Đầu tư công. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tiếp diễn các tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 như dàn trải, manh mún trong bố trí vốn, dự án dở dang, không hoàn thành do thiếu vốn đầu tư,... Một số dự án trong danh mục bố trí vốn chưa thực sự hợp lý, bố trí thiếu vốn so với tổng mứ đầu tư, thiếu thông tin về tổng mức đầu tư, quyết định đầu tư...
“Ủy ban TCNS đề nghị, đối với những dự án tỷ lệ vốn bố trí quá thấp, không đủ khả năng hoàn thành thì cần đưa ra khỏi danh mục để tập trung cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, khắc phục tình trạng phân bổ dàn trải, dở dang ở nhiều dự án” – ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS cho biết.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói: “Chưa yên tâm khi còn tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công. Điều mà nhân dân và dư luận quan tâm là quy trách nhiệm cho rõ ràng vì vừa qua ít khi chỉ ra địa chỉ, người chịu trách nhiệm”.
Trả nợ rồi mới xây mới
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị bám sát Nghị quyết 26 của Quốc hội, trong đó cần xác định trên tinh thần thứ tự ưu tiên. Theo đó, bố trí thanh toán nợ đọng cơ bản trước tiên, rồi đến thu hồi khoản vốn ứng trước, bố trí vốn đối ứng công trình ODA, PPP và các công trình chuyển tiếp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (Ảnh: Quốc hội)
“2 triệu tỷ đồng phải tập trung xử lý theo thứ tự đó, số còn lại mới phân bổ cho dự án mới theo Luật Đầu tư công” – ông Lưu nêu ý kiến và đặt vấn đề: “Kể cả dự án mới thì có phải vẫn cứ dàn trải, nơi nào cũng đầu tư không? Hay tập trung cho cái gì, nơi nào tạo ra động lực, nguồn lực kích thích phát triển thì ưu tiên?”
Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, nguyên tắc là công khai minh bạch và nhất trí với đề nghị của Chính phủ là bộ ngành, địa phương nào chưa có báo cáo thì để lại xem xét sau.
Báo cáo thêm với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong hai năm qua đã làm việc với tất cả các bộ ngành, địa phương để hình thành danh mục. Chỉ rất ít dự án thay đổi so với danh mục ban dầu và Chính phủ giao cơ quan liên ngành làm việc lại với địa phương trên tinh thần lắng nghe ý kiến địa phương, giải quyết thấu tình đạt lý.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ với Chính phủ, trực tiếp là Bộ KH-ĐT khi lần đầu thực hiện đầu tư công trung hạn nên có khó khăn, lúng túng nhất định.
“Chúng ta thống nhất ý kiến là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho nguyên tắc, còn danh mục cụ thể thì Chính phủ căn cứ vào đó để quyết định nhưng Quốc hội giám sát, nếu làm sai thì Quốc hội “thổi còi” – Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến.
Phiên họp thứ 7 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội bế mạc vào cuối giờ chiều cùng ngày./.