Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới đau đầu vì trái phiếu Trung Quốc
Việc đầu tư tiền hưu trí của người dân vào nợ chính phủ Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ trở thành quyết định không được yêu thích về mặt chính trị đối với quỹ GPIF có quy mô 1.630 tỷ USD. Từ trước Nhật Bản và Trung Quốc đã căng thẳng và quan hệ giữa hai nước sẽ càng xấu đi nếu Nhật Bản khuất phục trước sức ép từ phương Tây và áp lệnh trừng phạt lên Trung Quốc.
Tuy nhiên quỹ GPIF sẽ khó có thể bỏ qua trái phiếu lợi suất cao của Trung Quốc nếu muốn đạt được lợi nhuận bằng với chỉ số trái phiếu toàn cầu của FTSE. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc dao động quanh 3,2% ngày 30/3, cao hơn hẳn mức 0,5% của chỉ số của FTSE.
Ông Takatoshi Ito, nhà kinh tế tại Đại học Columbia đánh giá: "Điều quan trọng là quỹ GPIF phải đánh giá đúng rủi ro của Trung Quốc bằng việc tập trung chặt chẽ vào việc quản trị và khả năng trả nợ của nước này".
Phản đối từ nhiều nhà đầu tư
Quyết định của GPIF cũng sẽ rất quan trọng đối với các quỹ hưu trí nhà nước và tư nhân khác của Nhật Bản vốn đang cân nhắc cơ hội đầu tư vào nợ chính phủ Trung Quốc.
Hồi tháng 1, Reuters đưa tin rằng kế hoạch của FTSE Russell vấp phải sự phản đối từ một số nhà đầu tư Nhật Bản, bao gồm GPIF. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Masataka Miyazono thông báo rằng GPIF sẽ đợi cho đến khi thời gian tham vấn kết thúc trước khi đưa ra quyết định.
"Chúng tôi muốn thảo luận kỹ lưỡng trong nội bộ về kế hoạch của FTSE rồi quyết định chiến lược của mình", ông Miyazono nói.
Hôm 31/3, phát ngôn viên của GPIF cho biết quỹ này vẫn đang xem xét nên phản ứng như thế nào.
Theo Bloomberg, quyết định cho thêm Trung Quốc vào Chỉ số Trái phiếu Chính phủ Thế giới FTSE được đưa ra vào tháng 9 năm ngoái. Trong thông báo ngày 30/3, FTSE ước tính nợ chính phủ Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 5,25% trong chỉ số trái phiếu toàn cầu.
Ông Tatsuya Higuchi, Giám đốc quỹ tại Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management nhận xét: "Tỷ trọng của trái phiếu Trung Quốc trong chỉ số của FTSE sẽ bằng với các nước lớn nhất và khi nhìn vào lợi suất của chúng, sẽ rất khó để GPIF đánh bại chỉ số nếu không đầu tư vào nợ Trung Quốc".
Quỹ GPIF phân bổ khoảng 25% danh mục đầu tư vào nợ nước ngoài. Quỹ này giữ khoảng 143 tỷ USD trong bộ phận quản lý thụ động của danh mục trái phiếu nước ngoài mô phỏng Chỉ số Trái phiếu Chính phủ Thế giới FTSE, theo dữ liệu mới nhất từ tháng 3 năm ngoái.
Nhà đầu tư Nhật Bản không xa lạ gì với thị trường trái phiếu Trung Quốc. Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy nhà đầu tư nước này mua ròng nợ Trung Quốc trong gần như mọi tháng kể từ tháng 7/2017.
Quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung QUốc
Quan hệ giữa hai nước càng phức tạp do thương mại Nhật Bản phụ thuộc lớn vào Trung Quốc còn của nước này được đảm bảo bởi Mỹ. Một số nghị sĩ Nhật Bản đang kêu gọi nước này tham gia cùng các thành viên thuộc Nhóm G-7 trong việc trừng phạt Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Ông Eiichiro Miura, trưởng bộ phận đầu tư chứng khoán nợ tại Nissay Asset Management cho biết: "Các yếu tố chính trị có thể là lý do khiến GPIF né tránh trái phiếu Trung Quốc".
Nhưng ông cũng nói thêm rằng không chỉ chính trị, nhà đầu tư Nhật Bản còn quan ngại về những vấn đề thực tiễn hơn như tính thanh khoản và sự phức tạp của việc giải quyết các giao dịch, cũng như lượng thông tin được Trung Quốc cung cấp.