Quỹ hưu trí lớn nhất Australia tham gia đầu tư tiền điện tử
Theo Financial Times, các quỹ hưu trí khác bao gồm CDPQ của Canada cũng đã có hành động cụ thể để tham gia vào không gian tài sản kỹ thuật số. Điều này đã phần nào chứng minh rằng nhiều quỹ hưu trí trên khắp thế giới đang coi trọng không gian tài sản tiền điện tử, bất chấp cả các rủi ro pháp lý.
Khi quỹ hưu trí cũng muốn đầu tư tiền điện tử
Queensland Investment Corporation (QIC), công ty quản lý tài sản trị giá 92,4 tỷ đô la Australia - AUD (69 tỷ USD) và là quỹ hưu trí lớn thứ 5 của Australia nói với Financial Times rằng họ sẵn sàng đầu tư vào tiền điện tử trong tương lai.
Một số văn phòng ở quy mô nhỏ và các nhà đầu tư tư nhân khác trong nước đã đầu tư vào tài sản kỹ thuật số, nhưng các quỹ quản lý tài khoản tiết kiệm hưu trí của hàng triệu người Australia đến nay vẫn chưa chính thức tham gia vào không gian tiền điện tử này.
Theo ông Stuart Simmons, người đứng đầu bộ phận tiền tệ của QIC, dòng tiền đầu tư vào tài sản tiền điện tử có khả năng “nhỏ giọt” thay vì ồ ạt trong tương lai.
Nguyên nhân chủ yếu là vì vẫn tồn tại nhiều mối lo liên quan đến các chính sách và quy định của chính phủ. Mặc dù không gian tiền điện tử đang phát triển nhanh nhưng phần lớn không được giám sát và không ai biết lúc nào thì chính phủ sẽ can thiệp.
Đối với các nhà quản lý quỹ hưu trí bảo thủ, việc chuyển sang thị trường tiền điện tử sẽ đánh dấu một khởi đầu lớn so với các chiến lược phân bổ tài sản thông thường, truyền thống.
Cho đến nay, họ chủ yếu tránh xa các khoản đầu tư tiền điện tử, trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Hai quỹ hưu trí của Mỹ có trụ sở tại Virginia đã lao dốc, trong khi CDPQ - quỹ hưu trí lớn thứ hai của Canada - gần đây đã đồng dẫn đầu vòng tài trợ 400 triệu USD cho nền tảng cho vay tiền điện tử C Network.
Tình huống trái ngược ở châu Âu
Ở châu Âu, các nhà quản lý quỹ quy mô lớn hầu như đều không muốn tham gia công khai với không gian tiền điện tử do rủi ro về quy định và tính uy tín.
Các thị trường tiền điện tử đã bùng nổ về quy mô trong năm qua, đặc biệt là sau khi thu hút rất nhiều các nhà đầu tư “đói lợi nhuận” trên khắp thế giới. Vào cuối tháng 9, Tập đoàn Victor Smorgon của Australia cho biết họ đã mua cổ phần của công ty quản lý tài sản kỹ thuật số Zerocap có trụ sở tại Melbourne, một năm sau khi người quản lý tài sản - đồng thời là tỷ phú nổi tiếng tuyên bố đầu tư vào bitcoin.
Tuy nhiên, nhiều rủi ro khác nhau vẫn tồn tại trong “vũ trụ tiền điện tử” có thể ngăn cản các quỹ lớn hơn nhảy vào thị trường.
“Hiện tại, có một số điều không chắc chắn và cơ sở hạ tầng hoạt động cho đầu tư tiền điện tử ở quy mô doanh nghiệp vẫn chưa trưởng thành”, ông Simmons nói. Ông cũng thêm rằng các nhà đầu tư lớn nhất sẽ muốn chắc chắn hơn về mặt pháp lý và kỳ vọng vào nhiều biện pháp bảo vệ hơn đối với “những rủi ro không thể xác định được” như lừa đảo, gian lận, trộm cắp và thao túng thị trường.
Tuy nhiên, trong tương lai thì rất có thể các nhà đầu tư bảo thủ sẽ cảm thấy thoải mái hơn với các giao dịch tiền điện tử khi quy định, chính sách trở nên rõ ràng. Hơn nữa, ngành công nghiệp tiền ảo cũng cần trưởng thành để trở nên chuyên nghiệp hơn. Ông Simmons lưu ý rằng sự gia nhập của các ngân hàng lớn và các tổ chức tài chính khác "làm nổi bật cơ hội cho phép đầu tư tiền điện tử chính thức".
“Khi các chính sách pháp lý tiếp tục phát triển, các quỹ siêu lớn cuối cùng cũng có thể đơn đáp ứng nhu cầu của người dùng bằng cách tạo điều kiện cho họ đầu tư vào tiền điện tử”, ông Simmons khẳng định.
Không phải tất cả các quỹ hưu trí tại Australia đều cảm thấy hứng thú với tiền ảo. Ông Andrew Fisher, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản tại Sunsuper - một nhà quản lý quỹ hưu trí khác có trụ sở tại Queensland với 85 tỷ AUD (63 tỷ USD) tài sản đang được quản lý, cho biết họ quan tâm đến công nghệ cơ bản của tiền điện tử nhưng bitcoin và các đồng tiền khác “không phải là lĩnh vực thực sự đáng quan tâm”.