Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội: Không thể xây mới từ 40 - 70 tầng!
Về đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội, UBND TP.Hà Nội đề xuất quy hoạch 6 phân vùng không gian chức năng cao 40 - 70 tầng.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND TP.Hà Nội thực hiện việc quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Hà Nội không được phép xây nhà cao tầng tại khu vực ga Hà Nội.
Hà Nội muốn xây các khối toà nhà cao từ 40 đến 70 tầng trong khu vực ga Hà Nội. Ảnh: PV. |
Phải tuân thủ quy hoạch chung Hà Nội đã được phê duyệt
Vào đầu tháng 9.2017, UBND TP.Hà Nội đề xuất xây khu ga Hà Nội,với đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội. Với đồ án này, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, UBND TP.Hà Nội sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Mặc dù UBND TP.Hà Nội chưa báo cáo chính thức Chính phủ nhưng vào cuối tháng 9.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở UBND TP.Hà Nội cần thận trọng trong công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững. Đến nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu UBND TP.Hà Nội thực hiện việc quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26.7.2011, khu vực ga Hà Nội nằm trong nội đô lịch sử. Bởi vậy, nếu có điều chỉnh quy hoạch thì phải tuân thủ theo hai nguyên tắc, không xây dựng nhà ở cao tầng mới và không gia tăng dân số. Tuy nhiên, theo đồ án cải tạo ga Hà Nội khi gửi đi các bộ, ngành xin ý kiến thì cả hai tiêu chí này đều không đáp ứng được.
Cụ thể, theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội, có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40-70 tầng gồm: Khu tài chính, khu kiến trúc bố cục ở phía bắc khu đất lập quy hoạch (cao 40-70 tầng); khu truyền thông bố cục phía đông khu đất (cao 40-70 tầng); khu lối sống mới bố cục phía tây nam khu đất (cao 40-60 tầng); khu nghỉ dưỡng đô thị tại khu vực trung tâm quy hoạch (cao 40-60 tầng) và khu ga đường sắt cao ở khu vực trung tâm khu quy hoạch (cao 40-70 tầng). Về dân số, dân số hiện trạng khoảng 40.300 người, dự kiến sau quy hoạch sẽ tăng lên khoảng 44.000 người (tăng khoảng 10%). Ngoài ra, việc hình thành các loại hình dịch vụ thương mại, tài chính, vui chơi giải trí… sẽ làm tăng một số lượng lớn khách vãng lai đến sử dụng các dịch vụ trong khu vực.
Theo nguồn tin của Lao Động, hiện nay, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành, UBND TP.Hà Nội vẫn đang tiếp tục điều chỉnh đồ án quy hoạch ga Hà Nội. “Việc điều chỉnh dựa trên ý kiến các bộ, tư vấn thiết kế phải làm lại để bảo đảm các yếu tố sau khi tiếp thu ý kiến từ các bộ. Còn nói điều chỉnh xây cao bao nhiêu tầng thì hiện tại chưa biết được. Vẫn phải chờ”, nguồn tin của Lao Động cho hay.
Bức xúc việc nhồi nhà cao tầng trong nội đô
Theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử ban hành vào tháng 4.2016, UBND TP.Hà Nội khẳng định, khu vực ga Hà Nội được xây dựng tối đa 18 tầng (tương đương 65m). Một năm sau, cũng chính Hà Nội đề xuất cải tạo ga Hà Nội, trong đó nhồi các khối nhà cao từ 40 tới 70 tầng (cao hơn gấp 3 lần so với quy chế). Việc này, đã vấp phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Ngay từ những ngày đầu tiên khi thông tin cải tạo ga Hà Nội với hàng loạt khối nhà cao từ 40 tới 70 tầng, Báo Lao Động đã dẫn lại hàng loạt ý kiến chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư lên tiếng phản đối. Trong đó, Báo Lao Động đặt thẳng nghi vấn có bàn tay vô hình lợi ích nhóm mượn quy hoạch ga “nuốt” đất vàng.
Sau khi dư luận bức xúc việc nhồi nhà cao tầng vào nội đô Hà Nội thông qua đồ án quy hoạch ga Hà Nội thì Bộ GTVT và Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến chính thức cần xem lại đồ án này. Bộ Xây dựng cho rằng, nội dung đồ án quy hoạch phân khu ga Hà Nội đề xuất cải tạo và xây dựng mới trong phạm vi hơn 98ha trong đó xây dựng mới một số công trình cao tầng sẽ có tác động lớn về giao thông và không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị đối với khu vực ga nói riêng và khu nội đô lịch sử Hà Nội nói chung. “Điều này chưa phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011” - ý kiến Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Trên thực tế, việc điều chỉnh quy hoạch có thể diễn ra tuy nhiên việc điều chỉnh này phải đáp ứng những tiêu chí cực kỳ nghiêm ngặt. Đặc biệt khu vực nội đô lịch sử Hà Nội, yêu cầu bắt buộc phải giảm mật độ dân cư, giảm áp lực hạ tầng. Tuy nhiên, những tiêu chí này nếu so với đồ án quy hoạch ga Hà Nội thì chưa được làm rõ. Bởi vậy, ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) - khi trao đổi với Lao Động nhiều lần nhấn mạnh, không phải các kiến trúc sư, dư luận phản đối cải tạo ga Hà Nội mà chỉ phản đối việc nhồi nhà cao tầng vào khu vực ga Hà Nội. “Nếu Hà Nội muốn xây nhà cao tầng khu vực ga Hà Nội thì phải chứng minh hạ tầng chịu được tải. Nếu Hà Nội không giải được bài toán áp lực hạ tầng thì không có căn cứ để làm” - ông Chiến nói.