|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Quỹ ETF VFMVN30 đạt gần 23 tỷ đồng lợi nhuận năm 2016

20:40 | 20/03/2017
Chia sẻ
Ngày 20/3, Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) công bố báo cáo tổng kết hoạt động quản lý quỹ năm 2016 của quỹ ETF VFMVN30. 
quy etf vfmvn30 dat gan 23 ty dong loi nhuan nam 2016
Phần lớn lợi nhuận của ETF VFMVN30 đến từ sự tăng trưởng giá chứng khoán. (Ảnh: N.Hiền).

Tại thời điểm 31/12/2016, giá trị tài sản ròng của quỹ ETF tăng 19,7% so với cuối năm 2015, đạt 429,4 tỷ đồng; giá trị tài sản ròng của một chứng chỉ quỹ là 10.176 đồng, tăng 7% so với cuối năm 2015. Trong năm 2016, quỹ thu 17 tỷ đồng lợi nhuận từ sự tăng trưởng giá chứng khoán và 9,7 tỷ đồng lợi nhuận từ lợi tức chứng khoán (cổ tức, trái tức, lãi suất tiền gửi) là 9,7 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, tổng lợi nhuận của quỹ đạt gần 23 tỷ đồng.

Cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ tại thời điểm cuối năm 2016 không có nhiều biến động so với cuối năm 2015. Trong đó, ngành thực phẩm, nước giải khát và thuốc là chiếm tỷ trọng 22,7%; ngành ngân hàng chiếm 19,5%; bất động sản chiếm 13,5%; ngành vật liệu chiếm 12,9% Quỹ ETF VFMVN30 sử dụng chiến lược đầu tư thụ động để thực hiện mục tiêu đầu tư đã định trước. Khi danh mục chứng khoán của chỉ số tham chiếu có sự thay đổi thì quỹ ETF VFMVN30 sẽ thực hiện điều chỉnh danh mục của quỹ để phù hợp với danh mục của chỉ số tham chiếu về cơ cấu và tỷ trọng tài sản.

Quỹ sẽ hướng đến việc có kết quả tương đồng với chỉ số tham chiếu và không thực hiện chiến lược phòng thủ khi thị trường giảm hay hiện thực hóa lợi nhuận khi thị trường được định giá quá cao. Việc đầu tư thụ động nhằm giảm thiểu chi phí và mô phỏng gần hơn chỉ số tham chiếu bằng cách duy trì tỷ lệ vòng quay vốn đầu tư thấp hơn so với các quỹ sử dụng chiến lược đầu tư chủ động.

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM, năm 2016 thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng tốt về điểm số khi chỉ số VN-Index tăng khoảng 14,8% so với cuối năm 2015. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của các mã cổ phiếu mới lên sàn với giao dịch rất thấp và liên tục tăng trần ở giai đoạn đầu niêm yết như ROS, SAB.

Do đó, thực ra thị trường chung tăng trưởng chỉ bằng nửa số 14,8%. Điều này được thể hiện qua giá trị chỉ số VN30 đại diện cho các cổ phiếu có vốn hóa lớn và thanh khoản hàng đầu Việt Nam có mức tăng chỉ 5,5%, chỉ số các cổ phiếu có vốn hóa vừa (VNMid-cap) có mức tăng 8,2% và chỉ số các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ (VNSmall-cap) có mức tăng 8,9%.

Nguyễn Hiền