Quy định pháp lý về quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng
Chiều 3/12, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo Chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội nghị tuyên truyền “Quy định pháp lý về quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng” theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị đã giới thiệu tổng quan về quản trị công ty đại chúng; các quy định pháp lý về quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng được quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định 155), Thông tư 116/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 về việc hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng.
Tại hội nghị, ông Lê Trung Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, nội dung về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng đã được đưa vào Chương 8 của Nghị định 155.
Cụ thể Chương 8, Nghị định 155 bao gồm 7 mục gồm: Mục 1 là quy định chung gồm 2 điều; mục 2 quy định về cổ đông và đại hội cổ đông gồm 3 điều; mục 3 quy định về thành viên hội đồng quản trị và hội đồng quản trị gồm 8 điều; mục 4 về thành viên ủy ban kiểm toán và ủy ban kiểm toán gồm 3 điều; mục 5 là về thành viên ban kiểm soát và ban kiểm soát gồm 6 điều; mục 6 về ngăn ngừa xung đột lợi ích gồm 4 điều và mục 7 liên quan tới báo cáo, công bố thông tin.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) Lê Trung Hải, về quy định cổ đông và đại hội cổ đông có thay đổi mới so với trước đây, có liên quan đến thẩm quyền cổ đông.
Theo ông Hải, tại Điều 272 của Nghị định 155 có quy định nội dung mới đáng chú ý, đó là tất cả các nội dung đã được thông qua tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông trước nhưng chưa thực hiện, hội đồng quản trị công ty phải báo cáo lại tại kỳ họp thường niên gần nhất. Trường hợp có thay đổi nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông thì hội đồng quản trị phải trình đại hội đồng cổ đông gần nhất thông qua trước khi thực hiện.
Điều này nhằm tránh trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các kỳ họp khác nhau vì các kỳ họp khác nhau thì cổ đông của công ty là khác nhau. Do vậy, các nội dung phải cập nhật đến thời điểm gần nhất.
Liên quan đến việc ủy quyền tham dự đại hội cổ đông, ông Hải cho biết, trước đây, việc ủy quyền tham dự họp đại hội cổ đông, mẫu ủy quyền do công ty đại chúng ban hành. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp mới cũng như tại Nghị định 155, cơ quan quản lý đã sửa đổi điều này.
Theo đó, việc ủy quyền dự họp đại hội cổ đông cho người đại diện được lập bằng văn bản theo quy định của pháp luật dân sự, thay vì phải lập theo mẫu do công ty phát hành. Điều này cũng tương ứng được sửa đổi tại Khoản 2 Điều 144 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Với quy định mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông có thể ủy quyền tại bất kỳ địa điểm nào để người được ủy quyền tham gia dự các cuộc họp đại hội cổ đông.
Về vấn đề họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến, trong 2 năm gần đây, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đầu năm 2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn hướng dẫn việc tổ chức đại hội đồng cổ đông trực tuyến.
Thực tế, một công ty muốn được họp cổ đông trực tuyến thì phải quy định tại điều lệ cũng như quy chế nội bộ của công ty. Trước đây, có nhiều công ty chưa thông qua nội dung này tại điều lệ, cũng như quy chế nội bộ của công ty. Do vậy năm 2021, nhiều doanh nghiệp gửi công văn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và xin lùi tổ chức đại hội cổ đông.
Tuy nhiên, việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên được quy định tại Luật Danh nghiệp. Theo đó, công ty phải tổ chức đại hội cổ đông trong vòng 4 tháng đầu năm tài chính và nếu có gia hạn thì cũng không quá thêm 2 tháng của năm tài chính đó. Do vậy, không có điều khoản hoãn tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên.
Ông Hải lưu ý các công ty, trong trường hợp dịch COVID-19 còn phức tạp, nên đưa nội dung tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến vào trong điều lệ cũng như trong quy chế nội bộ của công ty, tạo cơ sở pháp lý để công ty thực hiện.
Theo ông Hải, tại Nghị định 155 cũng quy định, các thành viên hội đồng quản trị và thành viên ban kiểm soát phải tham dự hội đồng cổ đông để trả lời các câu hỏi của cổ đông của cuộc họp. Trong trường hợp bất khả kháng không tham dự họp thì phải có báo cáo bằng văn bản tới đại hội đồng cổ đông.
Chủ tịch hội đồng quản trị công ty đại chúng không được kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc; thành viên hội đồng quản trị của công ty đại chúng chỉ được đồng thời là thành viên hội đồng quản trị tại tối đa 5 công ty khác.
Cơ cấu quản trị của công ty đại chúng cũng phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên hội đồng quản trị là thành viên không điều hành, nghĩa là không tham gia ban tổng giám đốc.
Đối với công ty niêm yết thì có áp dụng thêm với thành viên quản trị độc lập, qua rà soát, cơ quan quản lý nhận thấy nhiều công ty niêm yết chưa đáp ứng yêu cầu có 1/3 số thành viên quản trị độc lập.
Theo quy định tại Nghị định 155, công ty niêm yết phải có tối thiểu 1 thành viên độc lập trong trường hợp doanh nghiệp có từ 3 - 5 thành viên, từ 6 -8 thành viên hội đồng quản trị thì cần tối thiểu 2 thành viên độc lập và 9 thành viên hội đồng quản trị sẽ cần 3 thành viên độc lập.
Thành viên hội đồng quản trị độc lập của công ty niêm yết phải có báo cáo đánh giá về hoạt động của hội đồng quản trị để trình đại hội đồng cổ đông thường niên hằng năm thông qua. Đây là nội dung mới trong Nghị định 155.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi về các nội dung: Thẩm quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị đối với phương án chào bán cổ phiếu để tăng vốn; Đại hội đồng cổ đông có được ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định mức giá chào bán và mục đích sử dụng vốn chi tiết không?
Theo các đại biểu, hiện điều lệ của công ty đại chúng đã quy định chi tiết về quản trị nội bộ, hoạt động hội đồng quản trị, ban kiểm soát, vậy công ty đại chúng có quyền không ban hành thêm các quy chế quản trị nội bộ, quy chế hoạt động hội đồng quản trị và ban kiểm sát không?./.
Văn Giáp
Tác giả
Phạm Văn Giáp