|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quy định giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

15:57 | 09/01/2023
Chia sẻ
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 42 quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện.

Theo báo Chính phủ, thông tư nêu rõ trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện. Trước khi đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp, các bên phải tiến hành tự thương lượng.

Trường hợp tự thương lượng không thành, một bên hoặc hai bên có quyền gửi văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền.

Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm thông báo tới các bên liên quan về việc tiếp nhận xử lý tranh chấp. 

Trường hợp từ chối đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có quyền yêu cầu các bên liên quan cung cấp hồ sơ tài liệu; kiểm tra thực tế (trong trường hợp cần thiết) và xác minh hoàn thiện hồ sơ.

Chậm nhất sau 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức họp hòa giải. 

Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức họp hòa giải, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm ban hành văn bản thông báo về kết quả giải quyết tranh chấp.

Đối với vụ việc có tính chất phức tạp, việc tổ chức họp hòa giải và ban hành văn bản thông báo về kết quả giải quyết tranh chấp không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Nếu một trong hai bên không nhất trí với kết quả giải quyết tranh chấp của Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương thì có quyền đưa ra Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại Toà án để giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/2/2023.

Như Huỳnh