Quỹ 470 tỷ USD từng rót vốn vào Vinhomes, Masan: Việt Nam ở vị trí cao trong danh sách cần phải đầu tư
Đó là nội dung được ông David Petraeus, đồng sở hữu Quỹ kiêm Chủ tịch Viện toàn cầu Quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR) chia sẻ trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc gặp mới đây.
KKR là tập đoàn đầu tư toàn cầu của Mỹ được thành lập năm 1976, nằm trong top quỹ tư nhân lớn nhất thế giới. Quỹ đang rót vốn vào 280 khoản đầu tư với tổng giá trị 545 tỷ USD. Tổng tài sản của khoảng 470 tỷ USD. Tại Việt Nam, quy mô đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.
Tháng 6/2020, KKR hợp vốn với Temasek rót hơn 612 triệu USD để đổi lấy gần 6% vốn của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam – Vinhomes (Mã: VHM).
Trước đó, đầu tháng 10/2018, KRR bán 54,8 triệu cổ phiếu MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan với mức giá 89.200 đồng/cp, thu về khoảng 209 triệu USD. Tháng 4/2017, Quỹ Asian Fund II của KKR rót 100 triệu USD mua lại cổ phần Masan từ PENM Partners (công ty quản lý quỹ tư nhân của Đan Mạch).
Tháng 10/2021, VN Consumer Meat II - quỹ đầu tư thuộc sở hữu của Kohlberg Kravis Roberts (KKR) đã bán toàn bộ 23,16 triệu cổ phiếu MML của Masan MeatLife, tương đương 7,1% vốn.
Ngoài những khoản đầu tư trên, KKR còn rót vốn vào một số tổ chức của Việt Nam như KiotViet, Tập đoàn giáo dục Equest. Tháng 8 vừa qua, DealStreetAsia đưa tin KKR đầu tư vào Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (Medical Saigon Group – MSG). Qua đó, mở đường thoái lui cho Heliconia Capital, một đơn vị được hậu thuẫn bởi Temasek, đã đầu tư vào MSG vào năm 2019.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng đề nghị KKR tiếp tục trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Việt Nam và kết nối với các tập đoàn, đối tác của KKR trên thế giới để tìm kiếm cơ hội, mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Thủ tướng cũng đề nghị ông David Petraeus có tiếng nói thúc đẩy phía Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và bãi bỏ những kiểm soát không cần thiết trong chuyển giao công nghệ.
Việt Nam đang tiếp tục tập trung thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), hướng tới "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh".
Đáp lại, đại diện của KKR đánh giá cao những lợi thế, vị thế của Việt Nam để thu hút đầu tư. Ông cho biết các khoản đầu tư chiến lược của KKR đã góp phần giúp các công ty Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu như Masan và Tập đoàn giáo dục EQuest; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến quan trọng, nằm ở vị trí cao trong danh sách các quốc gia cần phải đầu tư của KKR, nhất là trong những lĩnh vực mà Thủ tướng đã có ý kiến.