Quốc hội: Vé máy bay thực chất không có giá 0 đồng nên không vi phạm Luật Cạnh tranh
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội chiều 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, có ý kiến đề nghị cần xem xét mối quan hệ giữa Luật Giá với các quy định về pháp luật cạnh tranh, chống bán phá giá khi có hãng hàng không định mức giá 0 đồng.
Đánh giá về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, Luật Giá không mâu thuẫn với Luật Cạnh tranh.
Không có vé vé máy bay 0 đồng
Trước ý kiến về việc một số doanh nghiệp bán vé máy bay với giá 0 đồng có vi phạm quy định về chống bán phá giá hay không, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các chính sách về chống bán phá giá chỉ áp dụng với mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia chứ không áp dụng đối với thị trường nội địa do đó không có mối quan hệ với dịch vụ vận chuyển hàng khách nội địa.
Còn với việc bán vé 0 đồng có vi phạm quy định Luật Cạnh tranh hay không, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, trên thực tế, không có vé máy bay giá 0 đồng vì theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, giá vé máy bay phải bao gồm các khoản thuế, phí theo quy định, thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một số tiền nhất định.
Trong thời gian qua, một số hãng áp dụng giá vé 0 đồng như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng với một số ít ghế ưu đãi trên một chuyến bay và số tiền khách phải trả không phải là 0 đồng.Các hãng quảng cáo giá vé 0 đồng nhưng khách hàng vẫn phải chi trả những phụ phí và chi phí khác khoảng vài trăm nghìn đồng cho mỗi vé máy bay.
Thông tư số 17 cũng quy định việc tính giá, theo đó giá phải đảm bảo phù hợp với chi phí sản xuất kinh doanh thực tế của mỗi chuyến bay. Dự thảo Luật quy định nguyên tắc định giá phải đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất, có lợi nhuận, phù hợp với mặt bằng giá thị trường.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, để xác định hãng hàng không có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không khi bán vé 0 đồng thì phải căn cứ chi phí chuyến bay và giá vé trung bình chứ không phải chỉ tính trên các giá vé đơn lẻ.
"Như vậy, pháp luật về giá đã thể hiện quan điểm không cho phép các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và không mâu thuẫn với Luật Cạnh tranh", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng thông tin, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định giá sàn là “0”, tức là không có giá sàn. Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) lần này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất bỏ quy định về giá sàn, chỉ giữ quy định về giá trần vé máy bay.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP, giá niêm yết hàng hóa dịch vụ cần bao gồm đầy đủ các loại thuế phí và lệ phí nếu có. Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không hiện quảng cáo và hiển thị trên website giá vé không bao gồm thuế phí để hấp dẫn khách hàng.
Đối với vấn đề này, hãng hàng không Vietnam Airlines từng có văn bản kiến nghị Cục Hàng không, Cục Quản lý giá yêu cầu các hãng thực hiện niêm yết giá vé đúng quy định.
Hãng này khẳng định hãng này đang thực hiện đúng quy định niêm yết giá vé đầy đủ bao gồm giá vé và các loại thuế, phí và lệ phí nêu trên, theo đó khách hàng truy cập vào website chính thức của hãng lựa chọn hành trình và ngày đi đã nhận được thông tin giá vé đầy đủ cần phải thanh toán khi mua vé.
"Tuy nhiên, các hãng hàng không khác chỉ mới niêm yết giá vé không bao gồm thuế phí trên website, khách hàng chỉ biết được mức giá cần phải thanh toán (bao gồm các loại thuế phí và lệ phí) khi lựa chọn các mức giá chi tiết", văn bản từ Vietnam Airlines nêu rõ.