Quĩ tiết kiệm của Na Uy chạm mốc kỉ lục hơn 1.000 tỉ USD
Đồng crown của Na Uy. (Nguồn: Reuters)
Quỹ tiết kiệm của Na Uy - quỹ tài sản lớn nhất thế giới, đã tăng lên con số kỷ lục 10.000 tỷ crown (tương đương 1.090 tỷ USD) nhờ lợi nhuận thu về từ các hoạt động đầu tư tăng cùng với việc đồng euro của châu Âu và bạc xanh của Mỹ tăng giá.
Trên trang thông tin chính thức của quỹ, vào khoảng 17 giờ ngày 25/10 (giờ Việt Nam), quỹ tiết kiệm của Na Uy lần đầu tiên đạt con số kỷ lục 10.000 tỷ crown, qua đó nâng giá trị tài sản tính bình quân đầu người của Na Uy hiện vào khoảng hơn 200.000 USD.
Được thành lập vào năm 1996, quỹ tiết kiệm của Na Uy chính là quỹ cất giữ nguồn thu từ dầu lửa do một cơ quan thuộc Ngân hàng Trung ương Na Uy quản lý.
Đến nay, quỹ này đã lớn mạnh gấp 3 lần so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của Na Uy.
Hiện quỹ dành khoảng 70% tài sản đầu tư chứng khoán và 28% vào các loại tài sản có thu nhập cố định.
Do đó, quỹ này được ví như nguồn tiền để dành cho thế hệ tương lai mà qua các hoạt động đầu tư, chính phủ có thêm một phần nguồn thu để đầu tư ngược lại cho các dự án nâng cấp hoặc xây mới cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục và y tế.
Na Uy hiện năm trong tốp 15 nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đóng góp sản lượng nhiều nhất trong nhánh dầu tiêu chuẩn Brent biển Bắc.
Sự thịnh vượng ngày nay của Na Uy có xuất phát điểm từ dầu. Tuy nhiên, sự thịnh vượng về lâu dài, có lẽ dựa nhiều hơn vào cách chi tiêu hợp lý với nguồn thu khổng lồ từ dầu nói trên.
Sản lượng từ các mỏ dầu khí của Na Uy đã suy giảm từ khoảng năm 2000. Các chuyên gia ước tính nước này sẽ chỉ còn dầu để khai thác trong vòng 30 năm nữa.
Nhưng với một quỹ dự trữ khổng lồ nêu trên cùng với việc phát triển một nền kinh tế không dựa quá nhiều vào dầu lửa, Na Uy hoàn toàn có thể tự tin đảm bảo cuộc sống cho thế hệ tương lai.