|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thaco rót vốn vào Hùng Vương, Agifish sắp bước qua thời kì đen tối?

09:04 | 27/04/2020
Chia sẻ
Lỗ ròng của Agifish trong quí I/2020 chỉ hơn 2 tỉ đồng, trong khi quí I/2019 con số lỗ lên tới 122 tỉ đồng. Nguyên nhân của sự thay đổi chủ yếu do công ty không trích lập khoản dự phòng phải thu nợ khó đòi gần 118 tỉ đồng như cùng kì năm trước.
Công ty con của Hùng Vương  - Ảnh 1.

(Ảnh: Báo Đầu tư)

CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An giang (Agifish - Mã: AGF) vừa công bố báo cáo tài chính quí I/2020 với chỉ tiêu doanh thu thuần giảm nhẹ gần 2% so với cùng kì năm trước, đạt 172 tỉ đồng.

Sau khi trừ đi giá vốn, lãi gộp Agifish đạt 21 tỉ đồng, giảm gần 9% so với quí I/2019.

Trong kì, các khoản chi phí đều ghi nhận giảm đáng kể. Cụ thể, chi phí tài chính giảm từ 14 tỉ đồng xuống còn gần 11 tỉ đồng, chi phí bán hàng giảm 22%, còn 9 tỉ đồng.

Đặc biệt, chi phí quản lí doanh nghiệp giảm từ 118 tỉ đồng xuống còn hơn 3 tỉ đồng do công ty không trích lập khoản dự phòng phải thu nợ khó đòi gần 118 tỉ đồng như cùng kì năm trước.

Nhờ vậy, kết thúc quí I/2020, lỗ ròng của Agifish chỉ hơn 2 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước con số lỗ lên tới 122 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm 31/3/2020, tổng tài sản của Agifish đạt gần 795 tỉ đồng, tăng hơn 4% so với đầu kì. Trong đó các khoản mục lớn bao gồm khoản phải thu ngắn hạn 304 tỉ đồng (tăng 3%), hàng tồn kho 165 tỉ đồng (tăng 21%)...

Về tình hình vay nợ, nợ vay ngắn hạn tăng 5 tỉ đồng, lên 490 tỉ đồng trong khi nợ vay dài hạn giữ nguyên ở mức 8 tỉ đồng. Tính thêm các khoản lỗ các năm trước đó, lỗ lũy kế của Agifish ghi nhận gần 535 tỉ đồng.

Mới đây, Agifish đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE vì vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong ba năm liên tiếp. Công ty cũng đứng trước nhiều khó khăn với các khoản lỗ lớn khi phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản phải thu.

Có thể phục hồi?

Được thành lập từ năm 1985 với nhiệm vụ chính là góp phần phát triển ngành thủy sản An Giang lên một tầm cao mới. Agifish đã từng thể hiện đúng vai trò của người dẫn dắt, trở thành lá cờ đầu của tỉnh An Giang ở lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá nước ngọt.

Agifish là đơn vị đầu tiên trong vùng ĐBSCL về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá basa, cá tra fillet sang nhiều quốc gia như Mỹ, Châu Âu, Úc, Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản,…

Đến năm 1995, sản phẩm cá fillet đông lạnh của Agifish đã có chỗ đứng trên thị trường Mỹ. Năm 2000, Agifish đứng đầu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá basa fillet đông lạnh, chiếm tới 40% thị phần cả nước năm 2000.

Năm 2001, Agifish chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần. Sau đó một năm, cổ phiếu của công ty niêm yết trên sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) với mã chứng khoán AGF.

Kinh doanh hiệu quả suốt hàng chục năm nhờ nhu cầu xuất khẩu không ngừng gia tăng, Hùng Vương bước vào "thời kì đen tối" kể từ năm 2015, lợi nhuận liên tục sụt giảm và liên tục bị cảnh báo về tính minh bạch.

Sau khi thực hiện kiểm toán, báo cáo lợi nhuận của Agifish phải thay đổi cách ghi nhận, những khoản lỗ lớn xuất hiện khi công ty phải trích lập dự phòng cho các khoản phải tu.

Hoạt động kinh doanh của Agifish hiện đã sụt giảm nghiêm trọng. Doanh thu trên 3.000 tỉ đồng mỗi năm đã giảm mạnh xuống chỉ còn 807 tỉ đồng trong năm ngoái. Hàng tồn kho cũng không còn đáng kể khi công ty không có đủ vốn để kinh doanh.

Trong khi đó, với các khoản vay lớn, công ty vẫn phải trả lãi với mức lên đến xấp xỉ 6% trên mỗi đồng doanh thu. Đây là chi phí chính dẫn đến hoạt động thua lỗ. 

Riêng trong quí I/2020, công ty chịu lỗ gần 2 tỉ đồng chủ yếu đến từ khoản lãi vay gần 11 tỉ đồng. Theo đó, nếu lãi vay được giảm, công ty có thể sẽ bắt đầu có lợi nhuận trở lại sau khi ngừng trích lập dự phòng.

Quí I giảm lỗ 120 tỉ so với cùng kì, Agifish - Ngọn cờ đầu tỉnh An Giang sắp bước qua thời kì đen tối? - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC Agifish

Hiện nợ vay của Agifish đã giảm đáng kể, từ đỉnh điểm trên 1.000 tỉ đồng năm 2015, hiện nợ vay của công ty đã giảm 1/2 xuống mức 500 tỉ đồng. Tuy nhiên, Agifish vẫn cần thêm nguồn vốn mới để tái cấu trúc, bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất.

Công ty cho biết, những khoản lỗ liên tục từ các năm trước đã đẩy công ty vào thế khó khăn. Các ngân hàng siết chặt nguồn vốn vay của công ty dẫn đến tình trạng thiếu nguồn vốn đáp ứng cho sản xuất, các vùng nuôi thiếu thức ăn dẫn đến giá thành nuôi cao, thiếu sản lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến.

Trong tình thế đó, công ty không đủ tiền để mua cá từ bên ngoài nên không đủ sản lượng cung cấp cho các khách hàng, lỡ mất thời cơ kinh doanh khi giá xuất khẩu trên thị trường tăng cao.

Cuối tháng Ba, nhóm cổ đông liên quan Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết đã sở hữu 35,01% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG), đồng thời cho biết sẽ tham gia vào quá trình tái cơ cấu Hùng Vương, với việc tiếp tục phát triển lĩnh vực cá tra và đầu tư mở rộng sang chăn nuôi heo.

Hùng Vương là công ty mẹ nắm khoảng 80% cổ phần Agifish. Theo đó, nhiều khả năng, Thaco sẽ hỗ trợ tái cấu trúc và bổ sung vốn cho Agifish sau khi Thaco tham gia điều hành, để tiếp tục hoạt động và sinh lãi trở lại khi nhu cầu cá tra fillet đông lạnh được dự báo sẽ nhanh chóng phục hồi và gia tăng sau dịch bệnh COVID-19.

Hồi đầu năm, Hội đồng quản trị Agifish cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu 880 tỉ đồng và lợi nhuận 22 tỉ đồng. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 16 triệu USD, tương đương 370 tỉ đồng. 

Tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Agifish cũng dự kiến sẽ bầu thêm một thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 và thay thế hai thành viên trong BKS. 

Báo cáo tài chính quí I/2020 của Agifish cũng cho thấy những thay đổi đầu tiên, hiện công ty đã thay đổi niên độ cho kì kế toán năm nay. Thay vì niên độ từ 1/10 và kết thúc vào ngày 30/9 năm sau đó, niên độ tài chính năm nay đã được điều chỉnh bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm.

Thanh Tùng