|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Qui hoạch, mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng để làm gì?

09:09 | 05/06/2020
Chia sẻ
Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu nêu ra tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì về phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030, sáng 4/6.

Theo GS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, nếu sau khi làm quy hoạch vùng xong mà không có thể chế nào để liên kết thì việc phân vùng không có nhiều ý nghĩa.

Tách miền Trung, mở rộng vùng Ðồng bằng sông Hồng

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, quy hoạch vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là quy hoạch có tính tích hợp đa ngành, nhằm đưa ra phương hướng phát triển tổng thể, đồng bộ của toàn vùng. 

Do đó, phương án phân vùng cần tạo ra các không gian phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ mới. Các vùng có khoảng cách quá lớn như vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (dài 1.300km) cần chia tách thành 2 vùng với sự gắn kết thực tế và phù hợp hơn về điều kiện tự nhiên, khí hậu.

Qui hoạch, mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng để làm gì? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Báo cáo về phương án phân vùng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và địa phương, bộ xây dựng 2 phương án. 

Theo đó, phương án một là giữ nguyên 2 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Tách vùng Trung du và Miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Đồng thời tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào vùng Nam Trung bộ), điều chỉnh 1 tỉnh (Bình Thuận) sang vùng Đông Nam bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung bộ. 

Vùng Đông Nam bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam bộ hiện nay và bổ sung thêm 2 tỉnh (Lâm Đồng và Bình Thuận).

Còn về phương án 2, vốn được đa số các bộ, ngành và địa phương lựa chọn, ông Phương cho biết, được xây dựng trên cơ sở phương án phân vùng giai đoạn 2011 - 2020 hiện nay, chỉ tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: vùng Bắc Trung bộ và vùng Nam Trung bộ. 

Đồng thời mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ.

“Phương án này có tính kế thừa phương án phân vùng trước đây, tính ổn định cao và ít gây xáo trộn về vùng. Đồng thời mở rộng không gian phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng, hình thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ và tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có điều kiện phát triển nhanh hơn. 

Khắc phục được hạn chế vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có khoảng cách quá dài”, ông Phương nhấn mạnh.

Phân vùng để làm gì?

Cơ bản đồng tình với phương án phân vùng trên, song vấn đề được nhiều đại biểu lưu tâm là “phân vùng để làm gì”? Theo GS Nguyễn Quang Thái, nếu sau khi làm quy hoạch vùng xong rồi mà chỉ “xuân thu nhị kỳ họp với nhau để cộng số liệu, hứa hẹn, vui vẻ với nhau nhưng không có thể chế nào để liên kết vùng thì không có ý nghĩa”.

Qui hoạch, mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng để làm gì? - Ảnh 2.

GS Nguyễn Quang Thái

PGS - TS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cái thiếu lâu nay không phải là không có quy hoạch mà thiếu thể chế để liên kết, phát triển vùng. 

Từ đó, ông đề nghị cần nghiên cứu thể chế, cải cách cơ chế tài khóa để tránh tình trạng hiện nay nguồn lực rơi vào từng bộ, ngành mà không có nguồn lực dành cho phát triển vùng.

Trong khi đó, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội cho biết, vùng không phải là một thể chế trong tổ chức chính quyền địa phương. Song muốn phát triển, liên kết vùng cần phải có cơ chế quản lý thì việc quy hoạch vùng mới thực sự có ý nghĩa. 

“Cần nghiên cứu để hình thành cơ quan phát triển vùng, cơ quan này không chỉ là chủ tịch tỉnh luân phiên mà cần có bộ phận văn phòng, cơ quan giúp việc”, ông Nghiêm nêu vấn đề và đề nghị cần có quỹ hợp tác vùng do Chính phủ quyết định để đầu tư, phát triển.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ý nghĩa quan trọng của việc phân vùng là để khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong vùng, toàn vùng để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng thông qua phân công, hợp tác và hệ thống hạ tầng.

Từ đó, ông Dũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trình Chính phủ 2 phương án trên cơ sở phương án 2 để thông qua.

Văn Kiên