Quảng Trị phát triển mạnh năng lượng tái tạo
Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng về năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Trong đó, điện gió nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh, công suất 30MW của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu đã vận hành được hơn 1 năm nay tại miền núi phía Tây Quảng Trị.
Dự án này mỗi năm doanh thu gần 240 tỉ đồng, nộp thuế gần 24 tỉ đồng, góp phần vào ổn định năng lượng điện của quốc gia. Ông Nguyễn Liêm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho rằng, phát triển điện gió vừa đem lại hiệu quả về kinh tế, vừa giữ được hệ sinh thái, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
“Sau 1 năm vận hành, nhà máy điện gió Hướng Linh 2 đã bước đầu đạt được hiệu quả trên 2 mặt cơ bản. Hiệu quả về mặt kinh tế là đạt sản lượng điện theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hiệu quả về mặt xã hội, dự án đã khẳng định thực tiễn của việc đầu tiên đúng hướng vào năng lượng tái tạo, tham gia ngân sách và tạo công ăn việc làm tại địa phương”, ông Nguyễn Liêm nói.
Dự án điện gió Hướng Linh 2 chính thức được đưa vào hoạt động.
Cuối năm 2018, nhà máy điện mặt trời Licogi Quảng Trị, công suất gần 50 MW của Công ty Cổ phần Licogi 13 được xây dựng tại xã Gio Thành và xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Dự án được Bộ Công thương quy hoạch vào phát triển điện lực tỉnh Quảng Trị. Đây là dự án được đặc biệt ưu đãi đầu tư, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất và các hình thức hỗ trợ khác của địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện mặt trời Licogi Quảng Trị cho biết: “Quảng Trị là nơi có cường độ bức xạ khá cao nên đảm bảo hiệu quả đầu tư khi mà nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án điện mặt trời LIG Quảng Trị là dự án đầu tư về công nghiệp. Trong quá trình làm việc thì chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh, các Sở, ban, ngành”.
Vùng biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng cũng có thể xây dựng được cảng nước sâu. Hiện, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý thực hiện 2 dự án nhà máy nhiệt điện than. Đây là điều kiện thuận lợi để tàu chở than cập bến, làm nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện.
Đến nay, tại Quảng Trị đã có 14 dự án thủy điện, 1 nhà máy điện gió. Tại Khu Kinh tế Đông Nam, tỉnh đang quy hoạch 2 nhà máy nhiệt điện với công suất 1.200 MW và 1 nhà máy điện khí công suất 340 MW.
Một trong những dự án điện gió của Tổng công ty Tân Hoàn Cầu xây dựng tại Quảng Trị.
“Quảng Trị khó khăn hơn các tỉnh khác về điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Việc hình thành trung tâm điện lực tại Quảng Trị cũng như việc phát triển năng lượng tái tạo với công suất lớn rất có ý nghĩa với phát triển kinh tế. Nhiều nhà đầu tư lớn vào triển khai sớm, góp phần vào sự tăng trưởng của thu hút vốn đầu tư của tỉnh. Trong lĩnh vực điện thì năm 2019 thì thu hút vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 10.000 tỷ đồng”, Quốc Hồ Hiệp Nghĩa cho biết
Theo kế hoach, tiến độ thực hiện các dự án năng lượng trên đến năm 2025 là hoàn thành. Tổng quy mô công suất lên đến 6.000 MW.
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, chủ trương của tỉnh là phát triển ngành năng lượng thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với quy mô phát triển điện năng như vậy, trong tương lai tỉnh Quảng Trị sẽ trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.
“Các nhà đầu tư rất tâm huyết để xây dựng năng lượng tái tạo đó là điện mặt trời và điện gió. Nguồn điện năng lượng tái tạo này Chính phủ đang khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư. Từ những khó khăn về nắng, gió Lào thì biến những khó khăn đó thành thuận lợi để đầu tư phát triển năng lượng. Phát triển điện gió, điện mặt trời và thủy điện thì trong tương lai sẽ có lượng điện khoảng 6000 MW để đóng góp cho quốc gia, phục vụ sản xuất., ông Nguyễn Quân Chính chia sẻ.