Quan hệ với nhà đầu tư (IR): Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt làm chưa tốt?
IR là gì và khó ở đâu?
IR là viết tắt của Investor Relation, hay được dịch thành "quan hệ nhà đầu tư" trong tiếng Việt.
Theo ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Le Bros và là một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông thì IR là hoạt động quan hệ công chúng (PR) chiến lược gắn liền với quản trị, tích hợp hoạt động tài chính, truyền thông, tiếp thụ, phù hợp với các luật đầu tư – doanh nghiệp – chứng khoán – tài chính nhằm đảm bảo quản hệ hiệu quả, bền vững, đa chiều giữa doanh nghiệp, cổ đông, nhà đầu tư, nhà tài trợ, trung gian tài chính, giúp cho cộng đồng đầu tư đánh giá đúng về giá trị của doanh nghiệp.
Nêu ra một định nghĩa dài với nhiều câu chữ phức tạp như vậy để thấy bản thân IR là một hoạt động hết sức phức tạp, đòi hỏi người làm IR phải có chuyên môn sâu và rộng trong nhiều lĩnh vực.
Ông Lê Quốc Vinh trình bày tại Tọa đàm Hoạt động quan hệ cổ đông (IR) doanh nghiệp ngành Dầu khí do Tạp chí Nhà đầu tư Tổ chức sáng 5/3. Ảnh: Đức Quyền
Ông Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc phát triển quan hệ và đối ngoại quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng một người làm IR giỏi cần phải có cả Kiến thức về tài chính, phân tích, định giá công ty, Kĩ năng về PR và truyền thông, viết, thuyết trình, xây dựng quan hệ và Hiểu biết về thị trường vốn, thị trường chứng khoán, luật chứng khoán.
Vì vậy, các công ty để xây dựng được một đội ngũ làm IR giỏi cần tốn không ít công sức tuyển dụng và đào tạo. Những người biết về báo chí lại không biết về tài chính hay luật, những người biết về thị trường chứng khoán và tài chính doanh nghiệp lại thiếu kĩ năng truyền thông, …
Ông Phạm Nguyễn Vinh phát biểu tại sự kiện sáng 5/3. Ảnh: Đức Quyền
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan – Nguyên Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và là người có nhiều kinh nghiệm trong việc theo dõi hoạt động IR của doanh nghiệp chia sẻ, đa phần các doanh nghiệp hiện nay thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin theo qui định của pháp luật, đặc biệt là trong những dịp niêm yết, IPO, đấu giá, … Tuy nhiên sau đó các doanh nghiệp này đột ngột "im lặng", chỉ tiếp xúc với nhà đầu tư khi bị bắt buộc.
Bà Lan gọi đây là việc quan hệ một cách "vô cảm".
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan trình bày tại sự kiện sáng 5/3. Ảnh: Đức Quyền.
Trong một lần HNX có chuyến công tác sang Hong Kong, bà Lan cho biết nhiều nhà đầu tư tại đây tỏ ra rất quan tâm tới các đợt IPO và đấu giá cổ phần tại Việt Nam tuy nhiên không tìm được tài liệu bằng tiếng Anh để tìm hiểu và nghiên cứu. Sau chuyến đi này, HNX đã dịch toàn bộ các qui chế của mình liên quan đến IPO và đấu giá ra Tiếng Anh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp công bố thông tin và tài liệu bằng Tiếng Anh thông qua HNX, tuy nhiên con số thực hiện rất nhỏ.
IR vì sao lại quan trọng?
Theo ông Phạm Nguyễn Vinh, làm tốt hoạt động IR sẽ xây dựng niềm tin với nhà đầu tư và công chúng, qua đó giúp doanh nghiệp thu hút các nhà đầu tư, các nguồn vốn tốt và dài hạn; cải thiện thanh khoản cổ phiếu, phán ánh đúng, xác định đúng giá trị thực của công ty; ngăn ngừa rủi ro và kiểm soát tốt khủng hoảng.
Trong giai đoạn mở cửa thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài như hiện nay, doanh nghiệp có cơ hội được dòng vốn ngoại của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp quốc tế … Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải làm IR bằng cả tiếng Anh, tức là thêm một thách thức lớn nữa.
Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư của Dragon Capital, ông Vinh cho biết Dragon Capital là tổ chức đầu tư dài hạn và cam kết đầu tư có trách nhiệm. Ngoài quyết định dựa trên các chỉ số tài chính truyền thống như ROE, ROA, P/E, P/B, tỉ lệ cổ tức, … Dragon Capital còn căn cứ vào yếu tố môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG).
Một trong những cấu phần quan trọng của quản trị công ty là thực hiện quan hệ với nhà đầu tư nhằm hỗ trợ cho những mục tiêu của công ty và tạo ra những giá trị kinh tế bền vững, dài hạn cho cổ đông. Thực tế hiện nay, điểm quản trị công ty của Việt Nam đang thuộc nhóm thấp so với các quốc gia Đông Nam Á khác.
Ông Vinh nêu lên thực trạng đa phần doanh nghiệp chỉ tiếp xúc nhà đầu tư tại các kì đại hội cổ đông, thiếu vắng các hoạt động giữa hai kì đại hội. Thông tin được cung cấp đến nhà đầu tư cũng chỉ là những thông tin mà doanh nghiệp bắt buộc phải công bố, nhiều thông tin mà nhà đầu tư mong mỏi muốn biết thì doanh nghiệp lại "cất đi".
Ông Vinh khuyến nghị doanh nghiệp nên tổ chức các buổi gặp gỡ nhà phân tích, gặp gỡ môi giới, … để trả lời các câu hỏi và cung cấp thêm thông tin đến nhà đầu tư. Nếu không thể tổ chức 3 tháng một lần thì cũng nên cố gắng tổ chức 6 tháng một lần, ông Vinh nói.
Tập đoàn Hòa Phát chủ động tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư sau khi giá cổ phiếu liên tục sụt giảm và xuất hiện tin đồn nhà đầu tư ngoại tháo chạy khỏi Tập đoàn. Ảnh: Đức Quyền.