|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quan chức Bộ Tư pháp Mỹ: Trung Quốc ăn cắp bí mật kinh doanh của Mỹ ngày càng nhiều

15:00 | 23/09/2019
Chia sẻ
Trong khi Tổng thống Donald Trump gây áp lực buộc chính quyền Bắc Kinh chấm dứt chính sách thương mại bất bình đẳng, Bộ Tư pháp Mỹ lại cảnh báo các doanh nghiệp: Hết sức cảnh giác trước nạn ăn cắp bí mật công nghệ.
106142898-1569162646991gettyimages-823051838

Ông Adam Hickey - Trợ lí của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ. Ảnh: CNBC.

Trao đổi với CNBC, ông Adam Hickey – Trợ lí của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ nói: "Ngày càng có nhiều vụ việc liên quan đến ăn cắp bí mật thương mại và số vụ liên quan tới Trung Quốc cũng không ngừng tăng lên".

Tính từ năm 2012, hơn 80% vụ án gián điệp kinh tế do Phòng An ninh quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ xử lí là có dính líu đến Trung Quốc. Theo ông Hickey, tần suất xuất hiện của các vụ liên quan tới Trung Quốc ngày càng cao trong những năm gần đây.

"Có thể lí do là các nạn nhân của tệ ăn cắp bí mật hiện nay đang chú ý nhiều hơn tới những gì đang diễn ra. Có thể họ không còn ngại báo cáo cho cơ quan hành pháp, có thể họ đã quá chán cảnh bí mật của mình bị đánh cắp, đây đều là những dấu hiệu tốt".

Tháng 11/2018, Bộ Tư pháp Mỹ thành lập "Sáng kiến Trung Quốc" với mục tiêu chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia đến từ Trung Quốc. Để thực hiện điều này, Bộ Tư pháp Mỹ cố gắng xác định và khởi tố các vụ án ăn cắp bí mật thương mại hay tài sản trí tuệ, đột nhập mạng (hack) hoặc gián điệp kinh tế.

"Trộm cắp được chính quyền ủng hộ"

Nói về chiến dịch trên của Bộ Tư pháp Mỹ, Trung Quốc từng cáo buộc Mỹ đang bảo vệ doanh nghiệp nước mình khỏi sự cạnh tranh của đối thủ và hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Ông Hickey thẳng thắn bảo vệ quan điểm của Bộ Tư pháp Mỹ: "Chúng tôi mong các quốc gia khác cũng muốn đạt được sự tự chủ về các công nghệ thiết yếu. Đó là điều chúng tôi mong đợi từ một chính phủ có trách nhiệm. 

Trung Quốc muốn đạt được mục tiêu này, như vậy không có gì là sai. Vấn đề là chính sách công nghiệp của nước này nhằm đạt mục tiêu trên lại bao gồm việc ủng hộ ăn cắp công nghệ hoặc ít nhất là dung túng cho hành vi ăn cắp công nghệ".

Ông Hickey chỉ ra bằng chứng về hành vi ăn cắp công nghệ thông qua các cáo buộc liên quan tới kế hoạch chiến lược "Made in China 2025".

Năm 2015, Trung Quốc giới thiệu kế hoạch này với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu trong 10 lĩnh vực ưu tiên bao gồm robot, công nghệ thông tin, hàng không, đường sắt và dược phẩm sinh học.

"Chúng tôi đã khởi tố nhiều vụ án thuộc 8 trong tổng số 10 lĩnh vực trên, các vụ án về ăn cắp tài sản trí tuệ", ông Hickey nói.

"Sáng kiến Trung Quốc" của Bộ Tư pháp Mỹ cũng nhấn mạnh vào các mối đe dọa về an ninh mạng và điểm yếu về viễn thông.

Ông Hicky từ chối bình luận riêng về gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc do hãng này đang là đối tượng trong hai vụ án tại Mỹ. Tuy vậy, ông đưa ra quan điểm về mối đe dọa chung từ các công ty viễn thông và chuỗi cung ứng đối với an ninh quốc gia.

"Việc các công ty đến từ đâu cũng rất quan trọng, cũng như việc liệu công ty đó có thể bị buộc phải tuân theo yêu cầu của cơ quan tình báo rồi phớt lờ luật pháp liên quan hay không", ông Hickey nói.  

Nhà sáng lập Huawei là một cựu kĩ sư Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc - ông Nhậm Chính Phi. Phía Mỹ lo ngại Huawei có thể sẽ cung cấp thông tin mật của người dùng cho chính phủ hoặc quân đội Trung Quốc.

Ông Nhậm Chính Phi thì khẳng định Huawei không bao giờ cài "cửa sau" lên thiết bị của mình và không tiết lộ thông tin mật của khách hàng dù chính phủ Trung Quốc có gia lệnh.

Tuy nhiên khi trao đổi với hãng tin CNBC, nhiều chuyên gia cho rằng nếu chính phủ Trung Quốc yêu cầu, Huawei sẽ buộc phải làm theo.

Ông Hickey nhấn mạnh rằng một chính phủ có khả năng và ý định yêu cầu doanh nghiệp làm gián điệp hay không là rất quan trọng.

"Nếu bạn muốn tìm khói bốc ra từ một khẩu súng và cứ ngồi đợi, có khi bạn sẽ người ăn đạn", ông cảnh báo.

Song Ngọc