|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Quả bom ô nhiễm' chờ chuyển công năng

08:31 | 21/07/2019
Chia sẻ
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai) được ví là "quả bom” ô nhiễm môi trường.
avatar_1563671306104

Một góc KCN Biên Hòa 1. Ảnh: Lê Lâm

Chủ trương chuyển đổi công năng thành khu đô thị, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cách đây hơn 10 năm, nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.

Chuyển đổi để cứu lấy môi trường

Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 ra đời năm 1963, rộng 318 ha, nay nằm ngay nút giao thông ngã ba Vũng Tàu - cầu Đồng Nai, P.An Bình, TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Đây được xem là KCN lâu đời nhất nước ta.

Theo thống kê từ Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, hiện tại có hơn 80 doanh nghiệp (DN) hoạt động tại đây và xả thải hơn 9.000 m3 nước/ngày/đêm. Trong đó, chỉ có khoảng 1.000 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, số còn lại được các DN tự xử lý, rồi đổ trực tiếp ra sông Đồng Nai. 

Tình trạng này đã khiến nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của hàng triệu người dân. Vì vậy, Đồng Nai đã có chủ trương chuyển đổi công năng, bỏ KCN Biên Hòa 1, xây dựng thành khu đô thị nhằm thay đổi diện mạo TP.Biên Hòa.

Từ đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. 

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án di dời KCN Biên Hòa 1, chủ đầu tư được giao là Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi). Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm triển khai, đề án vẫn chưa được thông qua.

Phải làm lại từ đầu ?

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Đồng Nai vào ngày 12.7 vừa qua, đại biểu Lê Ngọc Minh (Tổ đại biểu đơn vị TP.Biên Hòa) chất vấn về việc vì sao chậm trễ chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Giải trình vấn đề này, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai, thừa nhận tiến độ vẫn còn rất chậm, và "hiện nay vẫn đang bàn".

Ông Hồ Văn Hà cho biết trong KCN Biên Hòa 1 đang có 82 DN hoạt động với khoảng 27.000 lao động, ngoài ra còn có 322 hộ dân sinh sống. Trong số 82 DN, có 5 DN đã hết hạn thuê đất, 2 DN hết hạn vào 2020, 4 DN hết hạn vào 2025, các DN còn lại đến 2051 mới hết hạn thuê đất.

Cũng theo ông Hà, sau khi có đề án, UBND tỉnh Đồng Nai đã không cấp mới dự án cũng như không đầu tư mở rộng, không gia hạn thuê đất đối với KCN Biên Hòa 1. Trong số này, đã có 18 DN chủ động báo cáo với Sonadezi về kế hoạch di dời đi nơi khác.

“Tuy nhiên, do đây là dự án đầu tiên của cả nước, chưa có nơi nào chuyển đổi một KCN sang khu đô thị, vì vậy chủ đầu tư là Sonadezi cũng lúng túng khi xây dựng đề án.

Đến năm 2017, khi Sonadezi hoàn chỉnh đề án và trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, thì lúc này luật Đất đai, luật Đấu thầu, luật Đầu tư, luật Bảo vệ môi trường và các quy định liên quan không còn phù hợp nữa”, ông Hồ Văn Hà nói.

Ông Hà cho biết nếu bây giờ giao cho Sonadezi làm chủ đầu tư thì không đúng quy định, mà phải qua đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, theo luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2014, việc ô nhiễm phải được đánh giá đúng mức, nếu DN xếp vào loại đặc biệt ô nhiễm, thì có thời gian để khắc phục và lộ trình chuyển đổi.

Do đó, việc Đồng Nai áp dụng quy định của 10 năm trước để chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 “là không còn phù hợp”.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc dẫn đến việc chuyển đổi công năng đang “đứng bánh”, ông Hồ Văn Hà cho biết UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị T.Ư có cơ chế đặc biệt, nhưng đến nay T.Ư vẫn chưa ban hành cơ chế nào cụ thể cho KCN Biên Hòa 1. “Để phù hợp với tình hình mới, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa KCN Biên

Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN trên địa bàn. Đồng thời đổi tên đề án thành: Đô thị thương mại dịch vụ và bảo vệ môi trường cho phù hợp, với 2 phương án thực hiện: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Hà cho hay.

Gây thiệt hại rất lớn

Vào năm 2015, theo tính toán của Sonadezi, chi phí để chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 là hơn 11.000 tỉ đồng. Đến nay, chi phí đã tăng lên 15.000 tỉ đồng. Nguyên nhân là do thay đổi cơ cấu sử dụng đất, theo hướng giảm diện tích đất thương mại dịch vụ, tăng diện tích đất hành chính và bổ sung đất an ninh quốc phòng.
Trao đổi với PV Thanh Niên vào chiều 20.7, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Sonadezi, cho biết việc chậm di dời KCN Biên Hòa 1 gây thiệt hại cho Sonadezi cũng như nhà nước. Đó là các khu đất đã thu hồi trong thời gian qua không sử dụng vào mục đích gì, rất lãng phí. Về phía Sonadezi, hằng năm phải bù lỗ cho chi phí vận hành, bảo trì cơ sở hạ tầng (khoảng 6 tỉ đồng/năm), vì mức thu dịch vụ từ các DN thấp không đủ bù chi phí. "Việc chậm trễ này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề môi trường", bà Hằng nói.

Lê Lâm