PVS: Triển vọng phục hồi kém đến hết năm 2017
Giá dầu thô tiếp tục duy trì ở mức thấp và thị trường dịch vụ kỹ thuật dầu khí giảm mạnh toàn diện đã khiến cho các doanh nghiệp ngành dầu khí liên tục công bố các mức lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm nay.
Kết quả kinh doanh quý III, Tổng CTCP Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí Việt Nam (HNX: PVS) vẫn đạt mức doanh thu thuần đạt 4.772 tỷ đồng, chỉ giảm 30% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ hơn 124,5 tỷ đồng, giảm 66,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2016, PVS đạt hơn 13.918 tỷ đồng doanh thu, giảm 28%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là hơn 816 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận năm 2016 giảm
Với kết quả thực hiện trong 9 tháng kém khả quan, bộ phận phân tích CTCK Tp.HCM (HSC) đã giảm dự báo lợi nhuận của PVS trong năm 2016.
Theo HSC, mảng dịch vụ ROV kém khả quan, giá dầu giảm và không có các chương trình thăm dò khảo sát lớn trong khu vực. HSC dự báo doanh thu thuần sẽ đạt 19 nghìn tỷ đồng (giảm 18,7%), và lợi nhuận sau thuế đạt 907 tỷ đồng (giảm 39,3%). Để đưa ra đánh giá đó, HSC dựa trên những giả định sau:
Doanh thu của mảng dịch vụ tàu chuyên dụng sẽ giảm 40% so với năm 2015 và tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống 11,5% từ mức 12,4% trong năm 2015 do PVS vẫn phải trả lương cho toàn bộ nhân công và các chi phí bão dưỡng tàu.
Mảng cung cấp tàu FSO/FPSO đạt doanh thu và lợi nhuận tương đương năm 2015 do hợp đồng dịch vụ của PVS trong mảng này thường là 10 năm hoặc hơn với giá trị hợp đồng xác định trước cho toàn bộ thời hạn hợp đồng.
Doanh thu dịch vụ ROV sẽ giảm 20% so với năm 2015 với tỷ suất lợi nhuận gộp âm. Nguyên nhân là do PVS vẫn phải trả lương cho toàn bộ nhân công của mảng này cũng như chi phí bảo dưỡng tàu phục vụ khảo sát dù trong thời gian tạm ngừng hoạt động.
Doanh thu của mảng dịch vụ cơ khí và xây lắp giảm 10% so với năm 2015. Do phần lớn các dự án EPC trong năm 2015 được chuyển sang năm 2016, doanh thu của mảng này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy vậy, HSC dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm từ 8,7% trong năm 2015 xuống khoảng 5% trong năm 2016.
Doanh thu từ dịch vụ căn cứ cảng cũng giảm 30% với tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 22,5% năm 2015 xuống khoảng 10% trong năm 2016.Nguyên nhân là do các hoạt động thượng nguồn giảm trong khi đó thiết bị và phương tiện của các căn cứ cảng vẫn cần được bảo dưỡng thường xuyên.
Các công ty liên doanh đóng góp 729 tỷ đồng lợi nhuận (giảm 3,1%) do 5 trong số 6 công ty liên doanh của PVS hiện sở hữu và cho thuê tàu FSO/FPSO là những hoạt động không bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô giảm.
Hoàn nhập dự phòng dự báo là 140 tỷ đồng. HSC dự báo trong năm 2016, PVS sẽ ghi nhận 140 tỷ đồng từ hoàn nhập dự phòng đối với các hợp đồng EPC đã hoàn thành, tương đương năm 2015.
HSC cho rằng, 2 mảng cung cấp tàu chuyên dụng và ROV vốn chiếm tỷ suất lợi nhuân cao nhất sẽ chưa thể hồi phục trong năm 2017
Triển vọng hồi phục trong năm 2017 không mấy khả quan
Theo HSC đánh giá, những biến động hiện tại của giá dầu và chi phí khai thác khu vực châu Á cao, các nhà thầu dầu khí trong khu vực sẽ chưa muốn tái khởi động các dự án thăm dò và khai thác lớn, đồng thời muốn giảm chi phí cho các dự án thăm dò và khai thác nhỏ đang triển khai.
HSC dự báo trong năm 2017, PVS sẽ đạt doanh thu 16,8 nghìn tỷ đồng (giảm 11,8%) và LNST đạt 805 tỷ đồng (giảm 11,2%).Dự báo trên của HSC dựa trên những giả định sau:
Doanh thu của mảng dịch vụ tàu chuyên dụng sẽ giảm 20% còn 2,17 nghìn tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp giữ nguyên tại 11,5%.
Mảng cung cấp tàu FSO/FPSO đạt doanh thu và lợi nhuận tương đương năm 2016 do hợp đồng dịch vụ của PVS trong mảng này thường là 10 năm hoặc hơn với giá trị hợp đồng xác định trước cho toàn bộ thời hạn hợp đồng.
Doanh thu dịch vụ ROV sẽ giảm 15% còn 1,48 nghìn tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận gộp là âm 14%, bằng với năm 2016.
Doanh thu của mảng dịch vụ cơ khí và xây lắp giảm 10% xuống còn 7,67 nghìn tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận gộp giữ nguyên ở 5%. Nguyên nhân theo HSC là do một số dự án chính gồm dự án NH3-NPK của DPM, Nhà máy chế biến khí Cà Mau của GAS, dự án Sư Tử Trắng của Cửu Long JOC, Ghana FPSO của ENI SPA sẽ giải ngân mạnh trong năm 2017.
Doanh thu từ dịch vụ căn cứ cảng giảm 10% xuống còn 1.380 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận gộp là 10%; tương đương năm 2016 do ảnh hưởng của mảng dịch vụ cơ khí và xây lắp.
Các công ty liên doanh đóng góp 612 tỷ đồng lợi nhuận (giảm 13,3%). HSC dự báo lợi nhuận từ 5 công ty liên doanh sở hữu và cho thuê tàu FSO/FPSO với hợp đồng đã ký cố định thời hạn 10 năm sẽ xấp xỉ năm 2016 nhưng PV Shipyard (xây lắp, chuyển đổi, nâng cấp và sửa chữa các giàn khoan/cấu trúc ngoài khơi) sẽ ghi nhận lỗ 98,8 tỷ đồng so với lãi 1,6 tỷ đồng trong năm 2016.
Hoàn nhập dự phòng dự báo là 140 tỷ đồng. HSC dự báo trong năm 2017, PVS sẽ ghi nhận 140 tỷ đồng từ hoàn nhập dự phòng đối với các hợp đồng EPC đã hoàn thành, tương đương năm 2016.
Ngoài ra, với giá dầu và các chương trình/dự án thăm dò khai thác dầu khí trong khu vực liên tục giảm sút, HSC cho rằng các mảng dịch vụ thượng nguồn có tỷ suất lợi nhuận cao gồm cung cấp tàu chuyên dụng và ROV sẽ chưa thể hồi phục trong năm 2017.
“Các mảng khác có liên quan đến cả hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn gồm cơ khí xây lắp và căn cứ cảng sẽ được hỗ trợ từ những dự án quan trọng tại hạ nguồn gồm dự án NH3 – NPK, Nhà máy chế biến khí Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú (PVS là nhà thầu EPC).
Tuy nhiên điều này sẽ không đủ để tạo ra tăng trưởng cho PVS”, HSC đánh giá.