|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

PVN, VNPT, VNPost... bị Kiểm toán Nhà nước 'bêu tên' vì lãng phí hàng ngàn ha đất công

20:27 | 21/05/2019
Chia sẻ
KTNN chỉ rõ, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã vướng phải loạt sai phạm (chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích...) trong quản lý và sử dụng hàng ngàn ha đất công năm 2018.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra loạt sai phạm trong quản lý và sử dụng đất công tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong năm 2018.

KTNN nhận định, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được giao rất lớn song chưa được quản lý chặt chẽ, nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với NSNN, tính tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bất động sản chưa đúng quy định.

Cụ thể, một số doanh nghiệp chưa sử dụng đến phần đất công được giao như Tổng công ty Khánh Việt có 286 ha đất chưa sử dụng; Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) có 24,39 ha;

Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) có 18,92 ha; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) có 7,01 ha; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) có 1,92 ha; Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNS) có 1,63 ha; Tổng công ty Samco có 0,21 ha;

Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) có 2 lô đất tại Khu công nghiệp Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng còn một số lô đất mua từ giai đoạn 2011 – 2012.

PVN, VNPT, VNPost... bị Kiểm toán Nhà nước bêu tên vì lãng phí hàng ngàn ha đất công - Ảnh 1.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng các công ty con bị KTNN chỉ ra loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng đất công như chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích... (Ảnh: Dân trí)

Nhiều đơn vị khác lại sử dụng không hiệu quả. Điển hình như Công ty mẹ - Tổng công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) có 2 khu đất đã được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước nhưng chậm triển khai thực hiện; Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) có 37 địa chỉ nhà đất kinh doanh trống, chưa cho thuê;

Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) có đến 1.370,35 ha đất thương phẩm chưa cho thuê. Dự án Trung tâm thương mại The Green River đang tạm dừng đầu tư do mật độ dân cư hiện nay thấp; Viglacera 353,7 ha đã giải phóng xong mặt bằng nhưng chưa cho thuê được.

Không chỉ vậy, không ít đơn vị lại sử dụng không đúng mục đích. Đó là Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) với 140,08 ha; Sawaco với 3,57 ha; HFIC với 0,33 ha; Tổng công ty Văn Hóa Sài Gòn với 0,01 ha và nhiều doanh nghiệp khác như VNS, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), CTCP Xăng dầu dầu khí Vũng Tàu (PV Oil Vũng Tàu), Petro Mekong.

Sagri cũng có 23,51 ha đất bị lấn chiếm, tranh chấp. Tương tự, Sawaco có 40,562 ha với 19 khu đất; HFIC có 0,55 ha; VNPT có 0,12 ha; VNPost có 0,14 ha; Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn có 0,04 ha; Satra có 0,12 ha.

Trong số các đơn vị bị KTNN nêu tên chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính có Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil); loạt công ty con của VNPT gồm: VNPT TP HCM, VNPT Lâm Đồng, VNPT Gia Lai, VNPT Đắk Lắk; loạt công ty con của VNPost gồm: Bưu điện TP. Cần Thơ, Bưu điện tỉnh Lạng Sơn, Bưu điện TP. Hà Nội, Bưu điện TP HCM, Bưu điện tỉnh Kiên Giang;

Các công ty thành viên của VNS như: CTCP Kim Khí Hà Nội, CTCP Thép Vicasa; các công ty thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV gồm: Công ty mẹ, CTCP Đầu tư Xây dựng và kinh doanh nhà Sài Gòn, CTCP Phát triển địa ốc Sài Gòn 5; Công ty mẹ - Becamex…

Ngoài ra, KTNN còn nhắc đến Dự án UDIC Westlake của Tổng công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng đô thị UDIC tính tiền sử dụng đất phải nộp chưa đúng. Cụ thể, giá cho thuê đối với diện tích thương mại và tầng hầm để xe cố định trong 50 năm không phù hợp quy định tại Thông tư số 36/2014 của Bộ TN&MT.

Hiếu Quân

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.