PVB ước lỗ hơn 12 tỷ đồng năm nay khi giá dầu leo cao
Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (Mã: PVB) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2020.
Trong đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu 90 tỷ đồng năm nay, giảm tới 87% so với thực hiện năm trước. Sau năm 2020 lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2017 thì năm 2021, PVB dự kiến lỗ hơn 12 tỷ đồng. Năm báo lỗ gần nhất của doanh nghiệp là năm 2015 với khoản lỗ gần 54 tỷ đồng.
PVB dự kiến lỗ năm nay trong bối cảnh giá dầu liên tục leo cao từ cuối tháng 4/2020 đến nay.
Chưa đầy hai tuần gần đây, giá dầu đã giảm khoảng 14% và có lúc giá dầu Brent lúc thủng mốc 60 USD/thùng. Tuy nhiên so với thời điểm thấp kỷ lục gần hai thập kỷ (cuối tháng 4/2020), giá dầu đã tăng khoảng 3 lần và so với ngày đầu năm, giá dầu vẫn tăng khoảng 17%.
Là một đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ bọc ống, xây lắp, sửa chữa, bảo dưỡng, phục vụ các doanh nghiệp thượng nguồn, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định triển vọng năm nay của PVB vẫn trông chờ vào tiến độ triển khai các dự án dầu khí trọng điểm.
VDSC cho biết dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 và Sao Vàng Đại Nguyệt đã kết thúc vào năm ngoái, tức là PVB gần như không có dự án dầu khí nào trong năm 2021.
Do đó, ngoại trừ kho LNG Thị Vải, PVB không có hợp đồng mới từ các bên liên quan. Doanh nghiệp cho biết hiện có các dự án quy mô nhỏ hơn liên quan đến bọc chống ăn mòn, bọc cao su và bọc chống cháy. Khách hàng là các nhà sản xuất tư nhân.
VDSC cho biết các dự án khai thác dầu khí lớn trong nước được kỳ vọng sẽ mang lại công ăn việc làm cho chuỗi giá trị toàn ngành, nhưng hầu hết các dự án này vẫn chưa bắt đầu triển khai.
Ví dụ, Block B đã được đưa ra đấu thầu, nhưng thời hạn đóng thầu đã được dời lại vào cuối tháng 4. Cá Voi Xanh và LNG Sơn Mỹ cũng chưa bắt đầu triển khai.
Các nhà đầu tư nhà nước hiện đang chờ Chính phủ mới tiếp quản và đẩy mạnh thực hiện dự án. Tương tự, Nam Du U Minh và Cá Rồng Đỏ cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố chính trị.
Nguồn công ăn việc làm của PVB phụ thuộc hoàn toàn vào công ty mẹ là Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (Mã: GAS).
Do đó, VDSC nhận định triển vọng cho năm 2022 trở đi cần thêm thời gian để được làm rõ. Nhưng VDSC cho rằng do hiện tại đang là giai đoạn mà ngành dầu khí "cạn kiệt" công việc xây dựng cơ bản, áp lực triển khai các dự án thượng nguồn sẽ ngày một lớn.