PV2 vì đâu đến nỗi?
CTCP Đầu tư PV2 (HNX: PV2) tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển PVI được thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 6/2007, nhằm trở thành một trong các đơn vị của CTCP PVI (HNX: PVI) chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và dịch vụ tài chính để không ngừng gia tăng giá trị đầu tư cho PVI.
Trong giai đoạn 2009 - 2011, PV2 đạt được những kết quả khá khởi sắc, doanh thu liên tục gia tăng, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 29%/năm, đạt đỉnh vào năm 2011 với doanh thu gần 197 tỷ đồng và lợi nhuận ở mức gần 32 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ thịnh vượng nhất của PV2, bước sang năm 2012, thời kỳ khủng hoảng chính thức bắt đầu khi doanh thu của Công ty tụt dốc chỉ còn 2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 672 triệu đồng.
Năm 2013, Công ty bắt đầu nhận khoản lỗ ròng tới hơn 138 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 26 tỷ đồng năm 2014.
Năm 2015, nhờ thoát lỗ (lãi ròng 476 triệu đồng) giúp PV2 tránh “án hủy niêm yết” trong gang tấc. Tuy nhiên tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 vừa qua, Công ty lại trình lên một kế hoạch không mấy khả quan, khi dự kiến lỗ ròng 38 tỷ đồng trong năm 2016.
Tính đến cuối năm 2015, PV2 lỗ lũy kế 159,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 220 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của PV2 (2010-2015)
Đvt: triệu đồng
Lỗ nặng do trích lập dự phòng
Từ năm 2013, dư âm của những năm tăng trưởng nóng dần lộ diện với kết quả kinh doanh lao dốc do trích lập dự phòng tăng đột biến.
Ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế và thị trường bất động sản (BĐS), năm 2012, PV2 tạm dừng triển khai các hoạt động tài chính và các hoạt động kinh doanh khác, chờ thị trường phục hồi. Chính việc này đã khiến doanh thu của PV2 giảm mạnh từ gần 197 tỷ của năm 2011 xuống còn vỏn vẹn 2 tỷ của năm 2012. Trong khi đó, trích lập dự phòng lại tăng mạnh; riêng trong năm 2013 (năm ghi nhận khoản lỗ ròng cao kỷ lục), PV2 phải trích lập dự phòng hơn 116 tỷ đồng, gồm dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn và dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Một số khoản đầu tư tài chính dài hạn của PV2 tính đến năm 2013 có thể kể đến gồm: hơn 17 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Dịch vụ V-Car (nắm giữ 42,72% vốn); 26,6 tỷ đồng hợp tác với CTCP Đầu tư và Xây dựng 18 (chiếm 50% vốn góp); 15 tỷ đồng hợp tác với CTCP Đầu tư và Phát triển Sao Đỏ (chiếm 30% vốn góp); gần 14 tỷ đồng hợp tác với Hợp tác xã Công nghiệp Đoàn Kết (chiếm 26% vốn góp) và hơn 19,5 tỷ đồng góp vốn mua cổ phần. Còn các khoản phải thu của PV2 đến từ các hợp đồng hợp tác đầu tư, thanh lý hợp đồng liên doanh và một số khoản phải thu khác với tổng giá trị gần 70 tỷ đồng.
Giá trị dự phòng trong giai đoạn 2012- 2015
(Đvt: triệu đồng)
Bước sang năm 2014, câu chuyện trích lập dự phòng vẫn chưa dứt, PV2 phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư gần 16,5 tỷ đồng, dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 6 tỷ đồng, chưa kể hoạt động kinh doanh đang trong đà sụt giảm. Điều này khiến Công ty chịu lỗ hơn 26,4 tỷ đồng. Đến năm 2015, PV2 mới có được khoản lãi ròng 476 triệu đồng mà nguyên nhân một phần nhờ những khoản trích lập dự phòng dần chững lại.
Cuối quý 1/2016, tổng dự phòng của PV2 đang ở mức 116,5 tỷ đồng, tương đương gần một nửa tài sản của Công ty; tổng giá trị nợ xấu hơn 123 tỷ đồng, trong đó có những cái tên từ các năm trước như: Licogi 18 (26,6 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Sao Đỏ (15 tỷ), Công ty TNHH Hoàn Mỹ Gia (hơn 50 tỷ), CTCP Điện tử Viễn thông Việt (21,6 tỷ).
Tính đến hết nửa đầu năm 2016, tổng dự phòng của Công ty giảm nhẹ xuống mức 115,3 tỷ đồng.
Vẫn còn những hệ lụy đầu tư
PV2 mở màn năm 2016 với kết quả kinh doanh quý 1/2016 không lỗ, ứng với doanh thu 4.7 tỷ đồng và lãi ròng gần chạm mốc 1 tỷ đồng. Nhưng kết quả quý 2/2016 mới nhất cho thấy PV2 lỗ gần 387 triệu đồng. Theo đó, lãi trước thuế nửa đầu năm ghi nhận 598 triệu đồng, tuy không cao nhưng vẫn lãi so với kế hoạch lỗ 37,7 tỷ đồng năm 2016 đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Kế hoạch năm 2016 của PV2
Theo giải thích từ ban lãnh đạo PV2, năm 2016, Công ty xác định nhiệm vụ trọng tâm là thu hồi công nợ và thoái vốn tại các khoản đầu tư không hiệu quả. Dự kiến sẽ bán tài sản đảm bảo thu hồi được từ các khách hàng không thực hiện nghĩa vụ tài chính; tuy nhiên, các tài sản đảm bảo lại sự sụt giảm giá trị rất nhiều so với giá trị thu hồi từ khách hàng (hầu hết là bất động sản như: khu đất từ tại huyện Long Thành, Đồng Nai, bất động sản tại tỉnh Quảng Nam, bất động sản tại huyện Bình Quân, Đồng Nai…).
Thời gian vừa qua, thị giá cổ phiếu của PV2 đã tăng trần 5 phiên liên tiếp từ mức giá 1.600 đồng/cp lên mức 2.000 đồng/cp với khối lượng giao dịch trung bình hơn 250 ngàn cp/phiên.
Thị giá cổ phiếu PV2 thời gian gần đây
Trước những khó khăn mà PV2 đang gặp phải, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, sự chú ý được hướng đến dự án Khu dân cư tại xã Long Tân tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) - dự án trọng điểm của Công ty có quy mô gần 99.910 m2, với tổng vốn đầu tư 834,6 tỷ đồng, đã được UBND huyện Nhơn Trạch duyệt quy hoạch 1/500. Theo ý kiến của 1 cổ đông, giá trị phần đất của dự án đang nóng lên nhờ thông tin dự án sân bay Long Thành được phê duyệt và có thể đạt khoảng 180 tỷ đồng. Mặc dù ban lãnh đạo của PV2 cho rằng không có cơ sở để định giá khu đất, nhưng cùng với việc HĐQT được thông qua thực hiện giao dịch mua bán có giá trị từ 35% tổng tài sản trở lên, nếu có thể bán mảnh đất với con số 180 tỷ đồng, PV2 sẽ chấm dứt được khoản lỗ lũy kế gần 160 tỷ đồng.
Theo Trần Ngọc
Công lý