|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phúc Long có tiến vào sân chơi nhượng quyền?

17:08 | 08/05/2024
Chia sẻ
Ban lãnh đạo cho biết tăng trưởng lớn nhất của Phúc Long nằm ở thị trường toàn cầu.

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, trước câu hỏi về kế hoạch phát triển nhượng quyền cho chuỗi đồ uống Phúc Long, ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan Group, đơn vị sở hữu thương hiệu, cho biết chưa phải thời điểm phù hợp.

Theo ông, tại thị trường Việt Nam, Phúc Long chưa đến giai đoạn nhượng quyền. “Đối với chúng tôi, điều quan trọng là phải hoàn thiện mô hình của mình để mở rộng từ 150 - 180 cửa hàng hiện tại lên 500 cửa hàng. Tôi nghĩ, bây giờ đó là mục tiêu chính”, ông Danny Le nói.

Đồ uống thương hiệu Phúc Long. (Ảnh: Đức Huy).

Vị tổng giám đốc cho biết trong ba tháng đầu năm, Phúc Long ghi nhận tín hiệu khả quan khi trước đó doanh số trên mỗi cửa hàng chạm đáy vào quý IV/2023 thì tới quý I năm nay đã khởi sắc trở lại.

“Tôi nghĩ rằng nhiều sản phẩm sáng tạo theo mùa của Phúc Long đã nhận được phản ứng và phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Vì vậy, đó là một cách khác để chúng tôi nắm bắt và chiếm lại thị phần”, ông nói.

Nhận định về thị trường trà, cà phê Việt Nam, ông Danny Le cho biết tỷ lệ thâm nhập thương hiệu hiện chỉ khoảng 15 - 20%, vì vậy thị trường vẫn còn nhiều dư địa để khai thác. So với Thái Lan, tỷ lệ này là 50%.

“Do vậy, theo tôi, câu chuyện của Phúc Long giống với câu chuyện của WinCommerce, nơi thị trường mục tiêu tổng (Addressable Market - TAM) là chưa có thương hiệu. Trong đó, bán lẻ hoặc kinh doanh F&B hiện đại sẽ tiếp tục tăng tốc. Chúng tôi tin tưởng vào điều đó. 

Về việc nhượng quyền, có lẽ chúng tôi sẽ suy nghĩ nhiều hơn từ góc độ toàn cầu. Chúng tôi có hai cửa hàng Phúc Long ở California, một ở San Jose và một ở Orange County, hoạt động rất tốt.

Có một phản ứng tích cực rất mạnh mẽ từ khách hàng. Cả người Việt sống ở nước ngoài và người dân địa phương, người Mỹ địa phương đã đến cửa hàng Phúc Long. Vì vậy, chúng vẫn hoạt động rất tốt.

Tôi nghĩ đối với chúng tôi, điều thực sự cần làm là phát triển thương hiệu di sản mạnh mẽ với bản sắc cà phê Việt Nam. Và tôi nghĩ thị trường tăng trưởng lớn nhất của chúng tôi thực sự là toàn cầu”, ông Danny Le nói về triển vọng phát triển nhượng quyền thương hiệu Phúc Long ở các thị trường nước ngoài.

Sau ba năm về tay Masan Group, đến nay Phúc Long là chuỗi đồ uống có số lượng cửa hàng đứng thứ ba tại Việt Nam, với 156 flagship (không tính các ki-ốt bên trong WinMart). Trong 5 chuỗi đồ uống có quy mô lớn tại Việt Nam, gồm: Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long, Starbucks và Trung Nguyên, hiện chỉ có Highlands Coffee và Trung Nguyên đang kinh doanh nhượng quyền thương hiệu. 

Nhờ đó, Highlands Coffee luôn là chuỗi đồ uống lớn nhất Việt Nam, xét theo cả quy mô cửa hàng và doanh thu. Trong khi đó, các đối thủ nhỏ hơn như Cộng Cà phê, Aha Coffee, Gemini,… đều tham gia sân chơi nhượng quyền.

Về tình hình kinh doanh, năm ngoái, Phúc Long ghi nhận doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, đạt 255 tỷ đồng EBITDA - tăng 30,6% so với cùng kỳ. Trước đó trong quý II cùng năm, Masan Group cho biết trên cơ sở hiệu quả tính theo đơn vị cửa hàng, ước tính các cửa hàng flagship sẽ mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi so với doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA của cửa hàng là trên 35%, “cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới”.

Năm nay, Phúc Long dự kiến doanh thu đạt từ 1.790 đến 2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17% đến 41% so với cùng kỳ. Chuỗi có kế hoạch mở từ 30 đến 60 cửa hàng mới ngoài hệ thống WinCommerce (bao gồm cửa hàng tiêu chuẩn, cửa hàng flagship và ki-ốt) tập trung vào Hà Nội và TP HCM. 

Phúc Long cũng sẽ bắt đầu tích hợp chương trình loyalty vào hội viên WIN của Masan Group, giúp mang đến nguồn doanh thu khác cho chuỗi. 

Ngoài ra, Phúc Long sẽ nâng cao năng suất bán hàng thông qua các dự án marketing các cửa hàng địa phương, triển khai chương trình khuyến mãi trên toàn quốc, và các chương trình theo mùa giúp thu hút lượng khách hàng trẻ mới.

Đức Huy