Phú Quốc, 'đốt đuốc' tìm đất đẹp
Nhiều dự án đất nền tại Phú Quốc đang miệt mài tìm khách. Ảnh: Việt Dương |
Hết đất vàng
Ngay từ khi thị trường địa ốc phục hồi từ quý III/2014, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã nổi lên là một điểm nóng được nhiều nhà đầu tư nhắm tới, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hà Nội. Không chỉ rót tiền vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều doanh nghiệp cũng nhắm đến các lô đất lớn nằm gần trung tâm thị trấn Dương Đông để xây khách sạn, hoặc “sang tay” để kiếm lời.
Đến Phú Quốc những ngày cuối tháng 8/2017, trên cung đường từ sân bay quốc tế hướng về thị trấn Dương Đông, phóng viên Đầu tư Bất động sản không khó để nhìn thấy các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ mọc lên nhan nhản. Xen kẽ các ở đó là những ô đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
"Đất đó không phải đất bỏ hoang, mà đều đã có chủ. Đây là những lô đất của các nhà đầu tư vào thị trường từ mấy năm trước, ôm đất từ lúc giá rẻ nhằm mục đích sang tên kiếm lời, nhưng chưa tìm được người mua phù hợp", ông Thái, một người sống lâu năm ở đây cho biết.
Với tiềm năng phát triển, Phú Quốc đã lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư từ nhiều năm trước, nhất là 2 năm trở lại đây. Các khu đất có vị trí đẹp đều đã có chủ, nhiều vị trí hiện đã, đang mọc lên các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ. Do đó, hiện nay, dù có tiền, nhà đầu tư đến sau cũng khó có thể mua được đất có vị trí đẹp tại đây.
Trong khi các dự án đất nền lặng sóng, thì phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Việt Dương |
Nhớ lại khi cơn sốt đất diễn ra tại đây mấy năm trước, ông Thái kể, cứ vào ngày cuối tuần là xuất hiện hàng chục xe hơi của những người săn mua đất lượn lờ quanh đảo, trong đó đa phần là nhà đầu tư đến từ Hà Nội. Có những người đi riêng lẻ, có những tốp đi theo nhóm để liên kết cùng mua những khu đất rộng hàng sào Nam bộ (1 sào Nam bộ = 1.000 m2). Giá đất tăng theo từng ngày, khiến nhiều người dân đảo bỗng một đêm trở thành tỷ phú.
Giá đất ven biển ở xã đảo Hòn Thơm từ vài chục triệu đồng/ha trong năm 2015, đã tăng lên đến hàng trăm triệu đồng/ha. Tuy nhiên, sau khi lên đến đỉnh điểm giữa năm 2015, cơn sốt đất tại Phú Quốc đã hạ nhiệt. Theo một số nhà đầu tư, giao dịch nhà đất nhỏ lẻ ở Phú Quốc không còn sôi động, chỉ sôi động ở mảng mua bán, chuyển nhượng (M&A) các dự án có quy mô lớn.
Thực tế, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, những khu đất có diện tích nhỏ từ 100 - 500 m2, nằm cách bờ biển khoảng 3 - 5 km hiện cũng không còn cảnh treo biển rao bán, thay vào đó là một số dự án khách sạn, nhà nghỉ 1 - 2 sao bắt đầu mọc lên.
“Kỳ vọng về khách du lịch tăng mạnh trong thời gian tới là cơ sở để nhiều khách Bắc đầu tư khách sạn, nhà hàng tại đây”, anh Linh, một môi giới bất động sản tại Phú Quốc nói.
Tuy nhiên, cũng theo anh Linh, không dễ để kinh doanh thành công trong bối cảnh các chi phí xây dựng dự án ở đây cao hơn các dự án ở đất liền khoảng 15%. Chưa kể, khả năng khai thác cũng không dễ, bởi số lượng du khách tăng trưởng mạnh không có nghĩa là tất cả các khách sạn đều có kết quả kinh doanh khả quan.
Do quy mô thị trường không quá lớn, việc gia nhập của một dự án mới có thể tác động đáng kể đến hoạt động của thị trường. Do đó, trên thực tế, nhiều khách sạn đang phải cạnh tranh gay gắt để thu hút khách thuê.
Vẫn còn nhiều nhà đầu tư mắc kẹt
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tại một số sàn giao dịch và một số khu vực có rao bán đất theo giới thiệu của môi giới, đã không còn cảnh hàng dài xe hơi nối đuôi nhau săn đất như 2 năm trước. Dù vậy, tại đây vẫn có những thông báo bán đất diễn ra nhiều nơi, từ mức giá vài triệu đồng/m2 cho những mảnh đất nằm khuất, đến mức giá hàng chục triệu đồng/m2 cho những khu đất mặt tiền đường, nằm gần trung tâm đảo.
Tuy nhiên, theo anh Linh, những mảnh đất đó không có ai mua, nằm treo cũng khá lâu. Đất đó trước đất bỏ hoang, cũng không phải đất nông nghiệp, nhưng từ khi có cơn sốt, nhiều người xin quy hoạch, phân lô, bán nền nhằm kiếm lợi từ đợt sóng. Nhưng do vị trí quá xấu, không tiện đường, nên hầu như không có khách.
Giám đốc sàn một sàn môi giới tại thị trấn Dương Đông cho biết, khách du lịch kiêm nhà đầu tư giờ đến đảo cũng ít quan tâm đến việc mua đất, do những khu đất đẹp trên đảo hầu như không còn. Có một số khu đất vẫn treo bảng rao bán, nhưng cả năm qua cũng chưa bán được, một phần do diện tích đất nhỏ và nằm cách xa bờ biển. Có nhiều đại gia "ôm" đất ký gửi tại các sàn môi giới để tìm người chuyển nhượng, nhưng giá cao, từ 20 - 30 triệu đồng/m2, rất khó có người mua lại.
Tuy nhiên, ở mảng bất động sản nghỉ dưỡng, Phú Quốc vẫn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Các đợt ra hàng của những tên tuổi lớn như Vingroup, Sun Group, CEO Group đều có thanh khoản tương đối tốt. Sản phẩm của các dự án này cũng có giá rất đa dạng, từ 400.000 USD đến 5 triệu USD/căn.
Ngoài tiềm năng về du lịch, việc các chủ đầu tư tung ra các chương trình khuyến mãi như cam kết lợi nhuận cao, hưởng 15 đêm nghỉ mỗi năm và các dự án này được quản lý bởi các thương hiệu uy tín trong lĩnh vực khách sạn của thế giới là những yếu tố thu hút nhà đầu tư.
Không nên 'gì cũng có' ở đặc khu Bắc Vân Phong Bắc Vân Phong sẽ là một trong 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cùng với Phú Quốc và Vân Đồn... |
Kiến nghị thành lập Khu Bảo tàng nước mắm Phú Quốc Ngày 19.8, Bà Hồ Thị Liên – Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (NMPP), huyện đảo Phú Quốc - cho biết đã chính thức ... |
Nước mắm Phú Quốc được công nhận nghề truyền thống Nước mắm Phú Quốc có trên 200 năm hình thành và phát triển. Nước mắm Phú Quốc không những có giá trị về văn hoá, ... |