Phòng Đăng ký kinh doanh: Khó có chuyện viết nhầm 144.000 tỉ
Bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco) nói số vốn 144.000 tỷ là do hai cổ đông còn lại "say rượu, đăng ký nhầm". Trả lời VnExpress sáng 28/2, đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội (trực thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội) khẳng định, "rất khó có khả năng" nhầm lẫn này.
Vị này giải thích, khi đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông phải khai báo vốn điều lệ rất chi tiết, trên cơ sở số lượng cổ phần, mệnh giá cổ phiếu. "Có thể nhầm lẫn một, hai chỉ tiêu nhưng không thể nhầm toàn bộ. Chúng tôi cũng đã hỏi lại nhiều lần khi họ đăng ký vì quy mô vốn lớn bất thường", ông nói.
Số vốn 144.000 tỷ đồng USC Interco đăng ký cao hơn cả Viettel và chỉ đứng sau hai tập đoàn Nhà nước là PVN và EVN.
Trên bản khai đăng ký kinh doanh của USC Interco, mỗi chỉ tiêu về số lượng cổ phần và giá trị vốn góp được nhắc lại hai lần với mỗi cổ đông. Theo bản thông tin này, các cổ đông của USC Interco đều ký xác nhận về giá trị vốn góp và thời điểm để ba cổ đông hoàn tất việc góp 144.000 tỷ đồng cùng vào ngày 6/4/2020.
Bà Phương, cổ đông duy nhất trong ba người của USC Interco lên tiếng về việc này, hôm qua cho biết doanh nghiệp đã xin hủy hồ sơ. Tuy nhiên, theo Phòng Đăng ký Kinh doanh Hà Nội, hai trong số ba cổ đông có đến nhưng mới dừng ở nguyện vọng xin hỗ trợ pháp lý.
"Luật pháp quy định rất rõ về quy trình đăng ký, cũng như giải thể doanh nghiệp. Những thủ tục hiện nay đã tương đối thuận lợi, nhưng không vì thế mà muốn thì đăng ký, còn không thì rút ngay lập tức", đại diện cơ quan đăng ký kinh doanh nói.
Chưa kể, khi doanh nghiệp thành lập sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ với những bên thứ ba. USC Interco đăng ký thành lập từ ngày 17/1/2020, tức đã hoạt động hơn một tháng. Do đó, khi một doanh nghiệp muốn rút khỏi thị trường cần làm rõ họ có phát sinh nghĩa vụ nào với các bên khác hay không.
USC Interco đặt trụ sở chính tại huyện Hoài Đức, Hà Nội - nhà riêng bà Kim Thị Phương. Trong ba cổ đông, ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 57.600 tỷ, bà Kim Thị Phương và ông Trần Gia Phong mỗi người góp 43.200 tỷ đồng. Giám đốc công ty là ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979 có số thẻ căn cước 001079018541. Nhưng theo thông tin từ Tổng cục thuế, số căn cước này thuộc về một cá nhân khác tên Lê Văn Dũng. Cả ông Phong và cổ đông còn lại Nguyễn Hoàn Sơn hiện đều trong tình trạng không thể liên lạc được.
Về quy trình đăng ký lập doanh nghiệp, ông Lương Huy Hà, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Lawkey Việt Nam cho biết, quy trình đăng ký doanh nghiệp hiện khá đơn giản. Cơ quan đăng ký doanh nghiệp không thẩm định số vốn góp ngay tại thời điểm đăng ký mà các cổ đông phải góp đủ vốn trong vòng 90 ngày từ ngày được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp. Nếu không, doanh nghiệp phải điều chỉnh số vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được trả đủ.
Việc chứng minh góp đủ vốn cũng không bắt buộc chuyển khoản qua ngân hàng với cổ đông cá nhân. Họ có thể góp vốn bằng tiền mặt hoặc các cách khác (tài sản). Như vậy, chỉ cần công ty lập chứng nhận góp vốn bằng tiền mặt và đưa vào hồ sơ sổ sách kế toán.
Hiện pháp luật cấm và có chế tài xử phạt việc khai khống đăng ký doanh nghiệp nhưng thực tế không dễ để áp dụng và đủ chứng cứ chứng minh. Kể cả bị xử phạt về khai khống mức tối đa chỉ 15 triệu đồng hoặc phạt tối đa chỉ 20 triệu đồng nếu không điều chỉnh đúng theo số vốn thực mua, thực góp.
Theo Phòng đăng ký kinh doanh Hà Nội, trường hợp như USC Interco chỉ là hy hữu, trong khi hầu hết đều đảm bảo hoạt động theo đúng ngành nghề và số vốn cam kết.
"Hiện nay doanh nghiệp được thành lập trên tinh thần tự khai, tự chịu trách nhiệm, đây là bước tiến để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Không nên vì một người ốm, một trường hợp hy hữu mà bắt cả làng uống thuốc", đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh nói.