Doanh nghiệp 144 nghìn tỉ: Nữ cổ đông góp 1/3 vốn bán lẻ nước đóng chai
Tham gia công ty để bán nước cho dễ
Từ biển chỉ dẫn vào làng Lai Xá đặt trên Quốc lộ 32 đi ngoằn ngoèo theo con ngõ nhỏ đổ bê tông 1-2 km, PV mới tìm được ngôi nhà số 10, ngõ 234 đường Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội, trụ sở Công ty CP Tư vấn đầu quốc tế và dịch vụ thương mại USC mới thành lập có vốn đăng ký lên tới 144 nghìn tỷ đồng đang xôn xao dự luận.
Chị Kim Thị Phương, chủ nhà và là một trong ba người đứng tên cổ đông với số vốn 43,2 nghìn tỷ, tất bật tiếp hết lượt khách này đến lượt khách khác.
Trao đổi với PV Báo Giao thông chị Phương cho biết, nhà chỉ có 3 mẹ con, chồng chị mới mất, hai đứa con đang đi học đại học. Chị ở nhà làm nghề bán nước lọc, vừa nói chị Phương vừa chỉ lô nước lọc bình 20 lít bày trên sàn nhà.
Chị Phương chia sẻ, chị quen anh Trần Gia Phong (người đại diện pháp luật công ty, góp vốn 43,2 nghìn tỷ) thông qua anh Nguyễn Hoàng Sơn (cổ đông thứ 3 góp vốn 57,6 nghìn tỷ) vì chị và anh Sơn cùng làm công ty nước lọc.
Anh Phong cùng quê Đan Phượng với chị nhưng không biết làm nghề gì, anh Sơn quê gốc Bắc Ninh, giờ đang thuê trọ gần đây.
Qua tiếp xúc mấy lần chị được rủ thành lập công ty để "bán nước cho dễ" vì công ty làm về thương mại và cũng chỉ phải gắn mỗi cái biển nhỏ tại cổng. Thế nhưng kỳ thực không biết công ty hoạt động gì vì không quan tâm và cũng mới thành lập.
"Sáng ba mẹ con đang dọn bể nước thì thấy phóng viên, công an, trưởng thôn..., cứ ùn ùn kéo đến hỏi việc thành lập công ty, nhưng chị có biết gì đâu, đau hết cả đầu! Mai chị sẽ ra xin rút khỏi danh sách cổ đông vì thực tế cũng không có nhu cầu sử dụng đến pháp nhân công ty. Lúc trẻ chả làm, giờ gần 60 thì làm gì nữa hả em", chị Phương than thở.
Để rõ hơn thông tin, PV xin số điện thoại và ngồi tại nhà chị Phương gọi điện trực tiếp cho Anh Phong, giới thiệu và xin được gặp, trao đổi về câu chuyện khởi nghiệp. Thế nhưng đầu dây bên kia báo "nhầm số, không phải số của Phong" và cho biết: Anh Phong đang đi Hàn Quốc và hẹn sẽ liên hệ lại.
Sau vài phút, cũng số điện thoại đó gọi lại cho chị Phương để thống nhất địa điểm gặp trao đổi về việc huỷ phần góp vốn và trụ sở đang đặt nhà chị Phương.
Điều chỉnh theo số vốn góp thực tế sau 90 ngày
Theo Luật sư Năng Diệp Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM), vốn điều lệ công ty theo luật doanh nghiệp quy định là tổng số vốn do các thành viên hoặc cổ đông góp hoặc cam kết sẽ góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty. Vốn điều lệ công ty cho ta biết đó là tổng mức vốn đầu tư đăng ký ban đầu của tất cả thành viên vào công ty để dự tính hoạt động.
Nếu đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường không yêu cầu mức vốn pháp định thì theo luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu, tức là kê khai mức vốn điều lệ phù hợp với quy mô thực tế của doanh nghiệp mình bao nhiêu cũng được. Còn nếu doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh yêu cầu mức vốn pháp định thì doanh nghiệp cần kê khai mức vốn điều lệ tối thiểu bằng với mức quy định của ngành nghề kinh doanh đó.
Pháp luật không có quy định về mức vốn điều lệ tối đa, tức là không hạn chế việc bỏ tiền góp vốn vào làm ăn kinh doanh. Khi thành lập công ty/hoặc góp vốn vào công ty thì không cần chứng minh vốn điều lệ trong tài khoản ngân hàng. Hiện tại pháp luật có quy định về thời hạn góp vốn điều lệ vào công ty là 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau ngày này nếu các thành viên không góp đủ thì sẽ phải điều chỉnh về số vốn thực tế đã góp.
Việc đăng ký vốn điều lệ và việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức vốn điều lệ là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần kinh doanh đúng luật và chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ mình đăng ký khi xảy ra các vấn đề liên quan đế giải thể, phá sản thì cần đảm bảo nghĩa vụ với người lao động, đối tác, chủ nợ...
Theo quy định của Điều 43 Luật doanh nghiệp năm 2014 thì địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Quốc gia; Số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Điều 3, Điều 6 Luật nhà ở năm 2014; Công văn số 2544/BXD-QLN của Bộ xây dựng về việc quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành ngày 19/11/2009 thì doanh nghiệp không được đặt địa chỉ tại chung cư, nhà tập thể.
Trước đó dư luận xôn xao thông tin, có một doanh nghiệp (DN) là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng.
Số vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập này vượt xa nhiều doanh nghiệp "tên tuổi" như PVEP, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tập đoàn Cao su, BIDV, Vietinbank, Techcombank, Vingroup, VinHomes…, thậm chí vượt cả Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), chỉ xếp sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo thống kê, hiện cả nước mới chỉ có 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng gồm 3 tập đoàn kinh tế nhà nước là PVN (281.500 tỷ đồng), EVN (194.100 tỷ đồng) và Viettel (141.000 tỷ đồng) cùng 2 doanh nghiệp FDI là Formosa Hà Tĩnh (183.300 tỷ đồng) và Vietnam Beverage (111.900 tỷ đồng).