|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phòng chống dịch COVID-19, Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 5 cấp độ

23:03 | 27/03/2020
Chia sẻ
Sở Công thương Hà Nội cho biết đã xây dựng phương án 3 về dự trữ hàng hóa theo 5 cấp độ. Đồng thời, đề nghị 6 quận, huyện chưa có phương án dự trữ hàng hóa khẩn trương xây dựng để cùng thành phố ứng phó với các tình huống xảy ra.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của thành phố Hà Nội chiều nay 27/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu danh mục ngành hàng được hoạt động trong thời gian thủ đô đóng cửa dịch vụ không thiết yếu, để phòng tránh lây lan dịch bệnh.

Phòng chống dịch COVID-19, Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 5 cấp độ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến việc hạn chế các cửa hàng kinh doanh không cần thiết, đại diện Sở Công Thương cho biết, do cách hiểu và cách làm của một số quận, huyện, thị xã khác nhau nên việc triển khai chưa được đồng bộ. Hai ngày qua, một số cửa hàng thương mại, dịch vụ đóng cửa khiến người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. 

Sở đã tham mưu UBND thành phố có văn bản chỉ đạo cụ thể để thống nhất mở cửa các siêu thị (trong đó có siêu thị tại Trung tâm thương mại), các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, nhà thuốc, cửa hàng xăng dầu… đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm, các nhu yếu phẩm cho người dân. 

Sở Công thương cũng cho biết đã xây dựng phương án 3 về dự trữ hàng hóa theo 5 cấp độ. Đồng thời, đề nghị 6 quận, huyện chưa có phương án dự trữ hàng hóa khẩn trương xây dựng để cùng thành phố ứng phó với các tình huống xảy ra.

Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cho biết, khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Khi giao dịch mua bán cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Danh sách các cơ sở kinh doanh được mở cửa tại Hà Nội bao gồm: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); chợ dân sinh (gồm các gian hàng lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô).

Ngoài ra, còn có các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt.

Tất cả các ngành hàng kinh doanh không có trong danh mục trên phải tạm dừng đến 15/4, không có ngoại lệ.

K.Hà