|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Tổng Giám đốc Gemadept: Giá cước vận tải biển năm 2023 sẽ còn giảm

18:20 | 27/12/2022
Chia sẻ
Ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept cho rằng giá cước vận tải biển hiện xuống dốc không phanh do hai năm qua, lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải biển tăng cao nên họ đẩy mạnh việc đóng thêm tàu.

 Tại Tọa đàm “Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), trong thời gian cao điểm của đại dịch COVID-19, giá cước tàu đã tăng lên ngưỡng cao chưa từng có nhưng hiện đã giảm xuống gần mức bình thường.

Hiện chỉ số giá cước vận chuyển toàn cầu đã giảm 80% so với mức đỉnh hồi tháng 9/2021. Tuy nhiên vẫn cao hơn 49% so với mức trung bình của năm 2019 và đang tiếp tục giảm xuống.

 Chỉ số cước vận chuyển container thế giới trong năm 2022 (Nguồn: Drewry)

“Thông tin vui cho các nhà xuất nhập khẩu tại Việt Nam là hiện nay giá cước tàu ở mức cực kỳ thấp. Đơn cử như cước tàu đi Châu Âu chỉ ở mức 1.600 USD/TEU, thấp hơn rất nhiều so với mức 13.000 - 14.000 USD/TEU hồi năm ngoái. Cước tàu đi bờ Tây của Mỹ khoảng 1.400 USD/TEU và bờ bờ Đông là 2.800 USD/TEU, giảm rất sâu so với mức khoảng 16.000 - 20.000 USD/TEU của năm ngoái”, ông Khoa nói. 

Ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept (Mã: GMD) lý giải giá cước vận tải biển hiện xuống dốc không phanh do hai năm qua, lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải biển tăng cao nên họ đẩy mạnh việc đóng thêm tàu.

Trong khi đó, hoạt động vận tải biển đã thông suốt. Ngoài ra, sau đại dịch, hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi, họ không mua sắm nhiều nữa mà tập trung những thứ cần thiết. Do đó, cung toàn cầu giảm sút, cộng với lạm phát nên năm 2023 sẽ rất khó khăn. 

“Các công ty xuất nhập khẩu yên tâm, giá cước sẽ chắc chắn giảm. Sắp tới giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tiếp tục xoáy vào khủng hoảng vận tải biển ”, ông Long khẳng định. 

 Ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept. (Ảnh chụp màn hình)

Nói thêm về vận tải đường thuỷ trong nội địa, ông Long cho biết tuyến vận tải từ ĐBSCL đến TP HCM, bộ GTVT đã giao cho GMD triển khai tuyến mẫu. Sắp tới, việc vận chuyển hàng hoá không cần phải đi qua kênh Chợ Gạo mà đi qua kênh Quan Chánh Bố hoặc luồng Định An để đi thẳng lên cụm cảng sông Cái Mép.

Do đó, thời gian vận tải chỉ còn 14 tiếng, thay vì 36 tiếng như trước đây. Ngoài ra, chi phí cũng giảm 30%, cạnh tranh được với đường bộ, giảm thiếu ủn tắc.

Giá cước giảm là tin vui cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhưng đây lại là khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.

Theo ông Khoa, ngành dịch vụ logistics gặp nhiều khó khăn trong quý III và IV và được ví như “cơn gió ngược”. Suy thoái kinh tế vẫn diễn ra, lạm phát gia tăng, giá dầu leo thang.

Cùng với đó, hoạt động xanh hoá của hoạt động logistics trở thành xu hướng tất yếu nhưng điều này làm tăng thêm chi phí hoạt động về thương mại. Đơn cử như việc đánh thuế carbon của EU dự kiến có hiệu lực trong năm 2023 sẽ làm chi phí vận tải căng lên 50 - 230 USD/container tuỳ theo mức độ chuyển đổi lưu huỳnh thấp sang nhiên liệu khí hoá lỏng.

Mặc dù vậy, ông Khoa cho rằng năm 2023 có nhiều yếu tố tích cực đối với ngành logistics khi tăng trưởng GDP được dự báo khoảng 6%. Ngoài ra, nếu xuất nhập khẩu tăng cao sẽ tạo thúc đẩy hoạt động logistics. Bên cạnh đó, những FTA thế hệ mới sẽ tạo đà cho xuất nhập khẩu phát triển, tạo tiền đề cho hoạt động vận tải biển và các dịch vụ liên quan.

 

H.Mĩ