Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Điều hành giá không được chủ quan lơ là
Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đặt ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, diễn ra chiều 8/7.
Lạm phát cơ bản tăng 1,25%
Báo cáo của Bộ Tài chính – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho thấy, kinh tế trong nước phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên, nhưng cơ bản tình hình lạm phát vẫn diễn biến trong tầm kiểm soát.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn mức tăng 1,19% của 6 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020. Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng 1,25%, tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4% do Quốc hội và Chính phủ đặt ra.
Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm được Bộ này nêu ra là giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít; xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diezen tăng 13.900 đồng/lít.
Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87%. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,38%.
Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn uống tại nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, cũng là yếu tố làm CPI chung tăng 0,3%.
Bên cạnh đó là giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên - nhiên - vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp, gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao đã tác động làm CPI chung tăng 0,16% và 0,03%.
Ở chiều ngược lại, cũng có một số yếu tố làm giảm CPI trong 6 tháng đầu năm như giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, đã làm CPI giảm 0,08%.
Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội; các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá…
“Hạ nhiệt” giá xăng dầu
Liên quan đến công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, báo cáo cho biết, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 1/7/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) biến động tăng từ 34,8% đến 84,5% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 1/7/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) chỉ tăng từ 20,54% - 65,44%.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết điều chỉnh giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Trong bối cảnh giá xăng dầu vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, việc sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá bị hạn chế do không còn nhiều dư địa, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong biểu khung thuế suất…
Đến ngày 6/7, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 17 kỳ điều chỉnh giá. So với đầu năm 2022, giá xăng dầu các loại tăng từ 3.360 – 11.376 đồng/lít/kg, tương đương tăng từ 20,54-65,44%. Hiện số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang ở mức thấp, ước đến ngày 30/6 còn khoảng 223,505 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, đầu năm, số dư của Quỹ Bình ổn giá còn 822 tỷ đồng, nhưng đến trước kỳ điều hành này ước còn hơn 223 tỷ đồng, mức chi tương đối nhiều để tác động tới giá xăng dầu. Cùng kỳ năm ngoái, số dư Quỹ đạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc kỳ điều hành tới diễn ra vào ngày 11/7 có phản ánh được việc giảm thuế bảo vệ môi trường để “hạ nhiệt” giá xăng dầu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, liên Bộ Tài chính – Công Thương đang phối hợp làm các thủ tục để điều hành vào lúc 0 giờ ngày 11/7, phản ánh luôn giá của việc giảm thuế.
Bộ Tài chính đã kịp thời làm thủ tục rà soát chi phí kinh doanh đưa xăng dầu từ nước ngoài về, để phản ánh sát với diễn biến của xăng dầu thế giới và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc bảo đảm nguồn cung.
Với diễn biến của giá xăng dầu thế giới như hôm nay, chúng ta có dư địa kỳ tới điều hành giảm khá mạnh, phản ánh được việc giảm thuế, đồng thời có trích lập quỹ để tái lập Quỹ Bình ổn giá trong thời gian sắp tới.
Về bảo đảm nguồn cung, Bộ chủ động giao chỉ tiêu hạn mức nhập khẩu tối thiểu và tổng nhập tăng lên cho 10 doanh nghiệp đầu mối; có phương án dự phòng cho các doanh nghiệp đầu mối khác để bảo đảm nguồn cung luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước.
Không được chủ quan, lơ là
Đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành giá 6 tháng qua, song Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, thời gian tới tình hình diễn biến khó lường, áp lực tăng giá, kiểm soát chỉ số giá và lạm phát rất lớn trong những tháng còn lại. Công tác kiểm soát điều hành giá phải tập trung, không được chủ quan.
Mặc dù có dấu hiệu “hạ nhiệt” của mặt hàng xăng dầu, nhưng không lơ là khi xung đột giữa Nga – Ukraine chưa kết thúc, ở các nước châu Âu mùa đông đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ gas, xăng dầu có khả năng tăng cao hơn, trong khi nguồn cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
“Tập trung nắm bắt tình hình, nghiên cứu đánh giá, có giải pháp phù hợp trong điều kiện dư địa có thể”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Nêu rõ từ đầu năm đến nay Ban Chỉ đạo đã họp tới 5 lần để thúc đẩy công tác chỉ đạo, điều hành giá, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần chủ động cập nhật tình hình, triển khai các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao một cách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần giữ chỉ số CPI trong mục tiêu Quốc hội đề ra.
Các bộ, ngành liên quan đến mặt hàng thiết yếu phải có giải pháp kịp thời để đảm bảo cung cầu, theo sát tình hình, xử lý tình trạng găm hàng, thiếu hàng.
Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát.
Nhiệm vụ của ngân hàng là ổn định tỷ giá, giữ được giá trị đồng tiền, do đó phải sử dụng hiệu quả dự trữ ngoại hối, có chính sách kiểm soát thị trường ngoại hối phù hợp, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp găm giữ, thao túng thị trường; kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý…
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, những hàng hóa thiết yếu ảnh hưởng đến chỉ số giá phải có giải pháp phù hợp, như xăng dầu tuy có sự điều chỉnh nhưng giá xăng RON95 vẫn neo rất cao (32.763 đồng/lít). Vừa qua, chúng ta đã tính toán giảm thuế bảo vệ môi trường.
Nếu còn dư địa thì có thể đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội giảm thêm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt. Phải xử lý nhanh chính sách tài khóa này, để kiểm soát vì xăng dầu tác động lớn đến CPI.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có giải pháp bình ổn giá, kiểm soát giá và thực hiện chức năng quản lý giá ở địa phương, kiểm tra các yếu tố hình thành giá, tình hình có bất thường phải thanh tra ngay. Giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn một số nước trong khu vực, cần tăng cường chống thẩm lậu qua biên giới.
Nhấn mạnh vai trò của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu, công khai trung thực về giá, tránh tâm lý tích trữ hàng hóa, lạm phát kỳ vọng.