|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phó Thủ tướng: Chọn kịch bản làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải do thị trường quyết định

07:32 | 13/10/2023
Chia sẻ
Liên quan đến phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc lựa chọn kịch bản phải do thị trường quyết định, trong đó khâu dự báo nhu cầu là rất quan trọng để tính toán hiệu quả đầu tư.

Phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai.

"Đó không chỉ là một tuyến đường sắt hay một con tàu, mà phải đặt ra mục tiêu tổng thể là hình thành ngành công nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao an toàn, hiệu quả, bền vững hay không", Phó Thủ tướng nói.

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Ảnh: VGP).

 

 

 

Liên quan đến phương án đầu tư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc lựa chọn kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao phải do thị trường quyết định, trong đó khâu dự báo nhu cầu là rất quan trọng để tính toán hiệu quả đầu tư.

 

Theo đó, đề án cần tập trung làm rõ những căn cứ, luận điểm khoa học và thực tiễn về vai trò, vị trí của đường sắt tốc độ cao đối với sự phát triển của đất nước; chứng minh tính hiệu quả để giải bài toán nguồn lực huy động.

Đồng thời, đề xuất "gói cơ chế, chính sách pháp luật" về đầu tư, tài chính, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực…và tính toán nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ, kỹ thuật hình thành lên ngành công nghiệp để làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao,…

Đề án phải khẳng định được vai trò của tuyến đường sắt tốc độ cao là "trục xương sống" trên hành lang Bắc-Nam, động lực phát triển kinh tế với việc mở ra và kết nối không gian phát triển mới; đưa ra các mục tiêu rõ ràng dựa trên cơ sở phân tích kỹ thuật, công nghệ, tài chính; đề xuất công việc, nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành, địa phương; góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ;…

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục mời các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế trong nước và quốc tế để nghiên cứu thấu đáo, giải trình đầy đủ, thuyết phục đối với những vấn đề đặt ra. 

Tại phiên họp, hầu hết các ý kiến đều thống nhất cần đầu tư tuyến đường sắt mới, hiện đại để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên trục Bắc-Nam. Một số ý kiến đề nghị làm rõ kịch bản phát triển đường sắt khai thác chung khách và hàng hoá; hoặc riêng hành khách; quy mô, tốc độ; khả năng huy động nguồn lực, làm chủ công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá của công nghiệp đường sắt…

Cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn tiến độ, thực hiện thành công dự án, huy động nguồn lực đầu tư, đào tạo nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, công nghiệp, đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD)… 

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao ở các nước cho thấy cần đầu tư tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại thay vì cải tạo, sử dụng hạ tầng vốn có. Đây là cơ hội để ngành đường sắt làm chủ công nghệ, đổi mới phương thức quản trị vốn đã lạc hậu rất nhiều so với thế giới.

"Chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa trong phát triển đường sắt tốc độ cao", TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ.

Trước đó, Bộ GTVT đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 2/2019 với tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách, tổng vốn đầu tư lên tới 58,71 tỷ USD. Tuy nhiên, số vốn rất lớn này đã gây nhiều tranh cãi.

Đến tháng 10/2022, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có Kết luận số 1209-KL/BCSĐCP, trong đó thống nhất trình Bộ Chính trị cho định hướng phát triển đường sắt theo hướng hiện đại, kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi khổ 1.435 mm để vận chuyển hành khách  và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250 km/h, tốc độ khai thác khoảng 200 km/h.

Hạ An