Phó Thống đốc NHNN: Sẽ giữ nguyên thời hạn cơ cấu nợ, các chính sách hỗ trợ kéo dài dễ gây tâm lý ỷ lại
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến ngày 7/10, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%). Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực với dịch COVID-19.
Cùng với đó, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020, tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020.
Thời hạn cơ cấu nợ theo Thông tư 14 là hợp lý
Theo Phó Thống đốc, trong thời gian khó khăn vừa qua, NHNN và các ngân hàng luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp bằng nhiều chính sách như giảm lãi suất và cơ cấu nợ theo Thông tư 01 (đã sửa đổi bởi Thông tư 03 và Thông tư 14).
Về việc nhiều doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời hạn cơ cấu nợ theo Thông tư 01, Phó Thống đốc đánh giá những mong muốn này là chính đáng, tuy nhiên thời hạn cơ cấu kéo dài tới 30/6/2022 (theo Thông tư 14) là hợp lý trong bối cảnh hiện tại.
Ông cho rằng các chính sách hỗ trợ cần có những mốc nhất định để thị trường, các doanh nghiệp không ỷ lại. Nếu như cuối năm nay hoặc đầu năm 2022, nền kinh tế có những diễn biến mới thì NHNN sẽ tính đến những chính sách mới.
Đồng thời, Phó Thống đốc cho biết NHNN có thể sẽ nới thêm room tín dụng để tạo điều kiện mở rộng tín dụng, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp.
"Hạn mức tăng trưởng tín dụng đặt ra đầu năm là 12%, và trong những tháng cuối năm vẫn còn dư địa hơn 4%. Tuy nhiên, con số 12% là linh hoạt có thể nới thêm room tín dụng nếu lạm phát ổn định và cần thiết", ông cho biết.
Tính đến cuối tháng 9, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay đang giảm nhanh hơn lãi suất huy động
Về việc giảm lãi suất, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết trong năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm mạnh và nhanh lãi suất điều hành phát tín hiệu cho lãi suất thị trường giảm trong năm và kéo dài sang năm 2021.
Tính từ đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,7% trong khi lãi suất huy động giảm 0,4%.
Theo báo cáo từ các TCTD, đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Lũy kế từ 23/1/2020 cuối tháng 9, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 của 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã cam kết với Hiệp hội Ngân hàng là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết các gói hỗ trợ đã được triển khai quyết liệt hơn. NHNN đã giải ngân tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho khoản vay Vietnam Airlines và 462 tỷ đồng cho NHCSXH để cho vay trả lương theo Nghị quyết 68 số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay.
Về tháo gỡ khó khăn cho thu mua, tiêu thụ lúa gạo, sau hơn một tháng kể từ khi có chỉ đạo của NHNN, dư nợ cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng gần 5.000 tỷ đồng, hạn mức cấp tín dụng tăng 1.500 tỷ đồng.