|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: NHNN sẽ phân bổ thêm 'room' tín dụng, ngân hàng cần san sẻ gánh nặng với DN

15:39 | 21/06/2023
Chia sẻ
Theo lãnh đạo NHNN, các NHTM cần có trách nhiệm, chia sẻ với nền kinh tế bằng cách tiết giảm chi phí hành chính cũng như một phần lợi nhuận để tạo cơ sở hạ lãi suất.

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú. (Ảnh: SBV).

Chia sẻ tại họp báo thường kỳ thông tin về kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biếtmức tăng trưởng tín dụng thấp so với cuối năm ngoái đến từ nhiều lý do từ cả khách quan lẫn chủ quan.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc khẳng định NHNN muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không phải là cấp tín dụng bất chấp mà phải đáp ứng điều kiện vay vốn, an toàn hệ thống và hiệu quả đối với nền kinh tế.

"Tăng trưởng tín dụng luôn đi với nguyên tắc là không hạ chuẩn tín dụng. Bởi vì hạ chuẩn đồng nghĩa với việc rủi ro tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Hiện nay tại một số ngân hàng, nợ xấu nội bảng thì vẫn dưới 3% nhưng nợ tiềm ẩn thì đang có xu hướng tăng tại một số ngân hàng", Phó Thống đốc cho hay.

Về lãi suất, cần phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, định hướng của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng cần có định hướng theo hướng từng bước giảm dần một cách tích cực cả từ huy động lẫn cho vay.

Việc giảm lãi suất cho vay sẽ có độ trễ nhưng phải tìm cách để độ trễ này ngắn hơn, do đó NHNN giảm lãi suất điều hành và thực hiện chỉ đạo các NHTM là định hướng để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất.

"Một vài ngày tới, NHNN sẽ tiếp tục làm việc với các NHTM. Trên cơ sở trách nhiệm, các NHTM cần phải chia sẻ bằng cách cắt giảm những chi phí hành chính, một phần nguồn lợi nhuận để tạo cơ sở giảm lãi suất", ông Tú cho biết.

Bên cạnh đó, đảm bảo thanh khoản thị trường liên ngân hàng thông suốt với lãi suất hợp lý để tạo nguồn vốn cho các NHTM.

Phó Thống đốc cho biết hạn mức tín dụng thì hiện nay chưa thiếu nhưng sắp tới NHNN sẽ giao hạn mức tín dụng đến hết cả năm để các ngân hàng chủ động thực hiện việc tăng trưởng tín dụng.

Cùng với đó, ngân hàng cũng đang thực hiện việc cơ cấu lại nợ, giãn hoãn khoản đến hạn kể cả gốc và lãi theo hướng của Thông tư 02 để hỗ trợ doanh nghiệp. Tính đến nay, 17 ngân hàng đã thực hiện với  trên 150.000 tỷ đồng dư nợ được cơ cấu lại. 

Tại buổi họp báo, ông Tú cũng cung cấp thông tin làm rõ về gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.  

Theo đó, gói tín dụng ưu đãi lãi suất 120.000 tỷ không phải nguồn vốn từ ngân sách nhà nước mà là nguồn vốn của 4 NHTM có vốn Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV, mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng sẽ dành ra 120.000 tỷ đồng từ các nguồn huy động vốn từ nền kinh tế, đồng thời giảm 1,5 - 2% lãi suất cho khách hàng vay. Gói ưu đãi này không triển khai chỉ trong năm nay mà là cho tới năm 2030 nhằm thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội.  

Bộ xây dựng là nơi quy định về các dự án được phép vay và quyết định cho vay cụ thể thì thuộc thẩm quyền của các ngân hàng. NHNN không có quy định riêng cho chương trình này.

Ngoài ra về triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho hai lĩnh vực thuỷ sản và lâm sản, NHNN cũng đã chỉ đạo cho vay ưu đãi và không hạn chế room tín dụng cho hai linh vực này. Do đó, trên thực tế nếu đáp ứng được đủ tiêu chuẩn tín dụng tối thiểu thì gói hỗ trợ vay cho hai nhóm trên có thể lớn hơn 10.000 tỷ đồng. 

Ông Tú thông tin thời gian sắp tới, NHNN vẫn điều hành chính sách tiền tệ theo tinh thần linh hoạt, thận trọng, chắc chắn để phù hợp với từng điều kiện, giai đoạn và đảm bảo đúng mục tiêu đề ra.  

Tỷ giá tiếp tục điều hành theo hướng ổn định để tạo niềm tin cho thị trường; tạo niềm tin cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu và nhà đầu tư nước ngoài; đảm bảo quyền lợi của các khoản vay nợ của chính phủ và doanh nghiệp. 

Đồng thời, tiếp tục cơ cấu tổ chức chính dụng Theo đề án 689 nhằm chấn chỉnh những tồn tại trong thời gian vừa qua để đảm bảo công khai minh bạch cho nền kinh tế.

Đăng Nguyên

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.