|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng trưởng tín dụng đến 15/6 đạt 3,36%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước

10:07 | 21/06/2023
Chia sẻ
Mặc dù thanh khoản dồi dào và các ngân hàng chưa bị giới hạn bởi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Toàn cảnh họp báoThông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023. (Ảnh: Diệp Bình).

Tại họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin tính đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021).

Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước; kiểm toát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Chia sẻ tại họp báo Phó Thống đốc cho biết hiện tại thanh khoản của hệ thống dồi dào, các ngân hàng không bị áp lực bởi giới hạn tăng trưởng tín dụng. Do đó, nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn ở mức thấp chủ yếu là cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn.

Nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới tín dụng cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng, cầu tiêu dùng giảm. Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa dáp ứng điều kiện vay vốn/ hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Sau một thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu  ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng, doanh thu giảm,…).

Mặt khác, một số khách hàng chưa kịp thời hồi phục sau giai đoạn dịch COVID-19 đã phát sinh nợ xấu hoặc nợ quá hạn nên các tổ chức tín dụng phải thận trọng trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống. 

Về phía các ngân hàng, theo Phó Thống đốc việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng với các doanh nghiệp không đồng nghĩa với việc hạ chuẩn cho vay, tăng trưởng tín dụng phải đi cùng với việc đảm bảo đúng chuẩn, chất lượng tài sản, an toàn hệ thống,...

Diệp Bình