Phó TGĐ Vinhomes Trần Thị Mỹ Lộc giải thích vì sao nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng của Vingroup có lợi nhuận cam kết 10%
Tại phiên thảo luận với chủ đề Tương lai của condotel trong khuôn khổ diễn đàn Hành lang pháp lí cho thị trường condotel diễn ra sáng nay (14/12) do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, bà Trần Thị Mỹ Lộc - Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh, Công ty cổ phần Vinhomes cho biết:
"Tôi xem vấn đề của Cocobay như trong hình ảnh một đoàn quân đang đi thì có một anh lính ngã xuống nhưng cả đoàn quân vẫn tiến về phía mặt trời. Tuy nhiên, để cho thị trường condotel tiếp tục phát triển sau sự cố trên thì cần sự đồng hành của những chủ đầu tư uy tín, có tâm và nghiêm túc thực hiện các cam kết thiết thực với nhà đầu tư".
Các diễn giả tại phiên thảo luận với chủ đề Tương lai của condotel trong khuôn khổ diễn đàn Hành lang pháp lí cho thị trường condotel diễn ra sáng nay. Ảnh: K.H.
Trong vụ "vỡ trận" của Cocobay – một thông tin gây chấn động thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vừa qua, theo bà Mỹ Lộc, để đánh giá cái sai thì lỗi thuộc về cả 3 phía: chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp và các cơ quan chức năng.
Về phía nhà đầu tư thứ cấp, họ chạy theo lợi nhuận cam kết nhưng lại không hiểu rõ lợi nhuận này đến từ đâu, khả năng vận hành, khai thác kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào.
Họ chưa hiểu được đặc thù của bất động sản nghỉ dưỡng rất khác, không phải đơn giản để vận hành, khai thác. Vì vậy việc lựa chọn chủ đầu tư nào, chọn dự án gì rất quan trọng, từ đó có thể đánh giá mức cam kết lãi suất liệu chủ đầu tư có thực hiện được không.
"Về phía chủ đầu tư như chúng tôi cũng thấy có chút lỗi đó là chưa đưa ra cụ thể vì sao lại có cam kết lãi suất 10%, 8%... hay vì sao lại chỉ cam kết trong 3 năm, 5 năm hay 8 năm…", bà Lộc nhìn nhận.
Để giải thích cho việc vì sao một số dự án condotel của Vinhomes lại có mức lãi suất cam kết 10%, bà Lộc cho hay, các dự án condotel ở nước ngoài có mức lãi suất cam kết trung bình là 4-6% mỗi năm. Tại các dự án của Vinhomes thì tập đoàn không phải thuê đơn vị nước ngoài vận hành mà có Vinpearl rồi. Trong khi đó, chi phí thuê một đơn vị nước ngoài vận hành, quản lí dự án hiện rơi vào khoảng 3-4% giá trị dự án.
"Vì vậy, do không phải thuê nước ngoài vận hành nên mức lợi nhuận từ kinh doanh, khai thác dự án cao hơn và chúng tôi có thể đảm bảo được mức thu nhập cam kết cho các nhà đầu tư thứ cấp khoảng 10%", bà Lộc nói.
Theo bà Lộc, những cam kết này Vinhomes đưa ra được dựa trên sự vận hành dự án tốt, nếu một dự án tốt rồi thì những dự án tiếp theo cũng sẽ tốt theo. Bà cho rằng trong trường hợp với các chủ đầu tư có năng lực kinh nghiệm quản lí tự thân, hệ thống kinh doanh và khách hàng sẵn có, dự án có nhiều lợi thế đặc biệt thì mức cam kết lợi nhuận 10% là hợp lí.
"Phần lớn các dự án bất động sản nghỉ dưỡng chúng tôi chỉ đưa ra cam kết 3 năm, ví dụ như dự án Grand World ở Phú Quốc.
Vì sao lại 3 năm, bởi vì Phú Quốc hiện phát triển rất nóng và tại đây chúng tôi có nhiều dự án dịch vụ, giải trí đi kèm theo, hỗ trợ phục vụ cho nhau như công viên Vinpearl Land, vườn thú bán hoang dã Vinpearl Safari, sân golf 18 hố Vinpearl Golf, bệnh viện quốc tế 5 sao Vinmec, casino đầu tiên cho phép người Việt vào chơi...
Nhưng có những dự án chúng tôi cam kết lợi nhuận tới 5 năm, ví dụ như một dự án condotel ở Nha Trang, bởi vì tại dự án này xung quanh chúng tôi gần như không có dự án dịch vụ, giải trí nào bổ trợ.
Vậy 3 năm hay 5 năm đó là thời gian đạt lợi nhuận ở mức độ nào thì chúng tôi đưa ra con số đó chứ không phải như hiện nay các chủ đầu tư đưa ra để cạnh tranh thị trường", bà Lộc nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh của Vinhomes cũng cho rằng trong vấn đề condotel, "mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp như vợ chồng, luôn cần sát cánh với nhau".
Bà Lộc cũng cho hay, trong câu chuyện về Cocobay thì phía các cơ quan chức năng cũng có một phần lỗi khi khung pháp lí chậm và việc soát xét các dự án condotel chưa đi vào vấn đề cốt lõi.
Đồng quan điểm với bà Mỹ Lộc, ông Trương Xuân Quý, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Famingo cho hay, nhìn lại sự phát triển của thị trường condotel tại Việt Nam trong thời gian qua thì có thể thấy con số cam kết lợi nhuận đang là cuộc đua của không ít chủ đầu tư.
Theo ông Quý, trước khi bắt đầu vào Việt Nam, condotel xuất hiện tại Mỹ vào những năm 80. Tại Mỹ, với dòng sản phẩm condotel hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư chỉ cam kết lợi nhuận tạm thời để nhà đầu tư quan tâm và yên tâm về tỉ suất lợi nhuận. Sau đó, tùy theo khả năng vận hành, số lượng khách, sự thay đổi của chính sách thì con số lợi nhuận cam kết này có thể được chủ đầu tư chia sẻ ở mức cao hơn hoặc thấp hơn.
"Nhiều chủ đầu tư với dự án qui mô diện tích chỉ 1 ha cũng làm condotel, qui mô diện tích 5 ha cũng làm condotel, qui mô diện tích lên đến 100 ha cũng làm condotel….
Do đó, điều quan trọng với nhà đầu tư là họ lựa chon được các chủ đầu tư có uy tín bởi tại nhiều quần thể condotel đôi khi chỉ có 100 căn condotel nhưng lại được đặt ở nơi có quần thể tiện ích hiện đại, đồng bộ, vị trí đắc địa, tỉ lệ lấp đầy cao... thì cam kết lợi nhuận ở mức cao cũng là điều khả thi", ông Quý nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc của dự án Cocobay Đà Nẵng, ông Qúy cho rằng đây chỉ là 1 doanh nghiệp trong hàng trăm doanh nghiệp vận hành về condotel. Do đó, cụm từ "vỡ trận" mà dùng chung cho cả thị trường condotel thì quá nặng. "Vụ việc Cocobay đơn giản chỉ là sự đào thải của thị trường mà thôi", ông Qúy nhìn nhận.
Nói về tính pháp lí của thị trường condotel, ông Vũ Duy Dũng, đại diện Cục quản lí nhà thuộc Bộ xây dựng cho biết, hiện Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên - Môi trường và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, trong đó Bộ Xây dựng có nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn, qui chuẩn xây dựng các loại hình chung cư, công trình condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng…
Hiện tại Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu tiêu chuẩn, qui chuẩn cho nhà chung cư trong đó có nội dung qui định về condotel và officetel. Bộ qui chuẩn này đã được hoàn thiện và gửi cho Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định trước khi ban hành.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết hiện Bộ này đang tiến hành sửa Luật Đất đai. Trong quá trình sửa luật, liên quan tới hành lang pháp lí cho condotel, Bộ sẽ căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ để có điều chỉnh thích hợp hơn cho loại hình du lịch kiểu mới này phát triển.