Phổ biến tình trạng trúng thầu cung cấp gạo dự trữ sát giá
|
Kết quả đấu thầu nêu trên của Gói thầu Cung cấp 14.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2017 tại các Chi cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) thuộc Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh và Gói thầu Cung cấp 4.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2017 tại các Chi cục DTNN thuộc Cục DTNN khu vực Cửu Long đang khiến chính những người trong cuộc bất ngờ?!
Con số tiết kiệm... đùa cợt
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Gói thầu Cung cấp 14.000 tấn gạo nói trên do Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh mời thầu. Gói thầu có giá được phê duyệt lần đầu là 128.800 triệu đồng, giá điều chỉnh là 129.260 triệu đồng và được chia thành 14 phần thầu; thực hiện đấu thầu rộng rãi, độc lập với nhau.
Theo kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố, có 7 nhà thầu đã trúng 14 phần thầu gạo nêu trên là: Công ty CP TM&DL Bắc Hà Tĩnh, Công ty CP Hạnh Khoa, Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh, Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh, Công ty CP Xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang, Công ty CP Đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đức Thành. Với việc mỗi nhà thầu trúng từ 1 - 3 phần thầu gạo, tổng giá trúng thầu của 7 nhà thầu cho 14 phần thầu gạo là hơn 129.251 triệu đồng. Như vậy, mặc dù thực hiện đấu thầu rộng rãi, nhưng con số tiết kiệm qua đấu thầu một gói thầu gạo hàng trăm tỷ chỉ là gần 9 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm thấp kỷ lục 0,007%.
Câu chuyện giá trúng thầu sát giá gói thầu cũng diễn ra tại Gói thầu Cung cấp 4.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2017 do Cục DTNN khu vực Cửu Long mời thầu. Tại gói thầu này, 5 nhà thầu trúng 5 phần thầu gạo là Công ty CP Lương thực thực phẩm Sa Đéc, Công ty CP Mỹ Tường, Chi nhánh Công ty CP Lương thực Cao Lạng tại Đồng Tháp, Công ty TNHH MTV Đức Thắng và Công ty TNHH Phát Tài.
Thông qua đấu thầu rộng rãi 5 phần thầu gạo với tổng giá các phần thầu là 34.860 triệu đồng, tổng giá trúng thầu chỉ chênh lệch giảm gần 10 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm vỏn vẹn 0,028%.
Bên mời thầu bất ngờ với tỷ lệ tiết kiệm
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu chiều ngày 25/4, ông Lương Đình Hương, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch của Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh cho biết, quá trình mời thầu 14 phần thầu của Gói thầu Cung cấp 14.000 tấn gạo có 13 nhà thầu tham gia. Mỗi phần thầu đều có sự tham dự của 3 - 4 nhà thầu. Kết quả đấu thầu đã chọn được 7 nhà thầu trúng thầu cung cấp các phần thầu gạo. Về cơ bản, các nhà thầu tham dự thầu đều vượt qua bước đánh giá về mặt kỹ thuật. Trong 13 nhà thầu tham dự nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), chỉ duy nhất có 1 nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật. Hiện tất cả hợp đồng cung cấp gạo đã được ký kết với các nhà thầu trúng thầu, mặc dù vậy, việc nhập gạo vào kho vẫn đang trong quá trình triển khai, kiểm đếm.
Một điều đáng chú ý, mặc dù có tới 12 nhà thầu được vào vòng mở hồ sơ đề xuất tài chính, tuy nhiên, theo đại diện Bên mời thầu, chỉ có 7 nhà thầu được công bố trúng thầu.
Với Gói thầu Cung cấp 4.000 tấn gạo của Cục DTNN khu vực Cửu Long, Bên mời thầu cho biết, có tất cả 7 nhà thầu đã tham gia đấu thầu 5 phần thầu gạo của gói thầu này. Trong số 7 nhà thầu thì có 6 nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, được tiến hành đánh giá ở bước yêu cầu về mặt tài chính; 1 nhà thầu bỏ giá cao nên bị loại, do đó còn lại 5 nhà thầu trúng thầu nêu trên. Hiện tại, hợp đồng với các nhà thầu trúng thầu này cũng đã thực hiện gần hoàn tất.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đấu thầu về việc vì sao 19 phần thầu gạo, với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, dù được đấu thầu rộng rãi, độc lập nhưng giá trúng thầu lại gần như bằng giá gói thầu, đại diện một bên mời thầu phân trần, do các phần thầu gạo được đấu thầu độc lập nên các nhà thầu tham dự cũng độc lập bỏ giá. Mỗi phần thầu đều chấm thầu qua 2 bước: hồ sơ đề xuất kỹ thuật và hồ sơ đề xuất tài chính. “Chúng tôi không hiểu vì sao kết quả tiết kiệm qua đấu thầu gạo lại ít như vậy. Việc chấm thầu được tiến hành độc lập với từng phần thầu, khi tổng hợp lại chúng tôi mới biết kết quả như vậy” – cán bộ đấu thầu của một bên mời thầu thanh minh.