Phiên 24/7: Hơn 8.600 tỉ đồng đổ vào thị trường trong phiên VN-Index mất gần 28 điểm, 125 mã giảm sàn
Kết phiên, VN-Index giảm 27,59 điểm (3,22%) xuống còn 829,16 điểm, HNX-Index giảm 3,98% xuống 109,33 điểm, UPCoM-Index giảm 2,68% xuống 55,78 điểm.
Chỉ số giảm sâu trong phiên hôm nay do đà giảm giá của các mã vốn hóa lớn dòng Ngân hàng, Bất động sản, Dầu khí, Bán lẻ, "họ Vingroup". Toàn bộ cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm điểm, trong đó các mã giảm sâu nhất như CTD, ROS, VPB, PNJ.
Đáng chú ý, cổ phiếu CTD của Cotecons giảm sàn trong phiên hôm nay xuống còn 73.600 đồng/cp. Các mã ngành Xây dựng cũng giảm sàn như ROS, HBC, MBG, FCN, TTB.
Các cổ phiếu ngân hàng cũng giảm giá mạnh trong phiên hôm nay, gia tăng áp lực giảm điểm lên thị trường, đơn cử như BVB (giảm 8%), SHB (7,4%), EVF (6,2%), VPB (5,8%).
Độ rộng của thị trường, số mã giảm giá trong phiên hôm nay đạt 668 mã, trong đó số mã giảm sàn là 125 cổ phiếu.
Một điểm tích cực khác trong phiên giảm sâu hôm nay là việc cải thiện thanh khoản. Tổng khối lượng giao dịch trong phiêm hôm nay đạt gần 617,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 8.639 tỉ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt hơn 700 tỉ đồng.
Tính đến 13h45, VN-Index giảm 25,73 điểm (3%) xuống còn 831,02 điểm, HNX-Index giảm 3,61% xuống 109,62 điểm, UPCoM-Index giảm 2,69% xuống 55,78 điểm.
Thị trường giảm sâu trong phiên chiều nay do hàng loạt cố phiếu vốn hóa lớn trong trạng thái bị bán tháo mạnh. Thanh khoản trên sàn HOSE thời điểm này đạt gàn 5.800 tỉ đồng, cao hơn đáng kể so với các phiên trước đó. Theo thống kê, trạng thái tiêu cực của thị trường gia tăng khi có 88 mã giảm sàn thời điểm hiện tại.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 18,87 điểm (2,2%) xuống còn 837,88 điểm, HNX-Index giảm 2,13% xuống 111,44 điểm, UPCoM-Index giảm 1,73% xuống 56,33 điểm.
Hầu hết nhóm ngành chịu áp lực bán và giảm điểm. Thanh khoản thị trường đột biếntrong nửa cuối phiên sáng, cao gần gấp đôi cùng thời điểm trong phiên trước đó. Cụ thể, giá trị giao dịch 3.531 tỉ đồng, khối lượng giao dịch 237 triệu đơn vị.
Ngoài NVB và KLB giữ giá tham chiếu, toàn bộ cổ phiếu còn lại trong nhóm ngân hàng tạm dừng trong sắc đỏ. Giảm giá mạnh nhất là BVB (8%), TPB (4%), VIB (3,9%), STB (3,6%), LPB (3,3%), CTG (3,2%).
Ngoài ra, các mã vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG và TCB đều giảm trên 2% đang kéo chỉ số giảm nhiều điểm nhất.
Diễn biến tương tự tại dòng cổ phiếu dầu khí. Cổ phiếu giảm mạnh có OIL (76%), PVD (3,4%), PVS (3,2%), PVB (3%), kế đến còn có BSR, PVC, TDG...
Tính đến 10h45, VN-Index giảm 13,5 điểm (1,58%) xuống còn 843,25 điểm, HNX-Index giảm 1,64% xuống 112 điểm, UPCoM-Index giảm 1,43% xuống 56,5 điểm.
Sắc đỏ bao trùm thị trường, sàn HOSE ghi nhận 319 mã giảm giá trong khi chỉ có 41 mã tăng giá và 28 mã đứng giá tham chiếu. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường có phần cải thiện. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE thời điểm này đạt hơn 140 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.176 tỉ đồng.
Tính đến 9h50, VN-Index giảm 7,62 điểm (0,89%) xuống còn 849,13 điểm, HNX-Index giảm 0,82% xuống 112,95 điểm, UPCoM-Index giảm 0,73% xuống 56,9 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm ngay đầu phiên do tác động của của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Tất cả cổ phiếu nhóm VN30 điểm giảm điểm. Những mã giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 có ROS (giảm 5,8%), SAB (2%), REE (1,6%), CTD (1,3%), EIB (1,7%). Trên sàn HNX, cổ phiếu ACB, SHB giảm giá kéo chỉ số giảm sâu.
Đà giảm điểm của thị trường Việt Nam nằm trong xu hướng chung của thị trường chứng khoán quốc tế. Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 23/7 lao dốc sau khi chính phủ công bố số liệu thất nghiệp xấu hơn dự báo. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, dẫn đầu là Microsoft và Apple, giảm mạnh khi nhà đầu tư bán tháo.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 354 điểm, tương đương 1,3%, xuống còn 26.652 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,2% còn 3.236 điểm, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp vừa qua. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 2,2% khi đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ tiếp diễn.
Trái ngược với thị trường chứng khoán, giao dịch vàng trở nên sôi động khi giá vàng trong nước và quốc tế đều tăng mạnh. Sáng nay, giá bán ra vàng miếng SJC có thời điểm vượt 56 triệu đồng/lượng đầu phiên sáng nay.
Giá cổ phiếu của doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc trang sức là PNJ giảm nhẹ trong phiên sáng nay xuống còn 58.500 đồng/cp. Cùng với PNJ, nhiều mã ngân hàng khác cũng giảm giá như MWG, FRT, HAX.