Phía sau làn sóng cắt giảm nhân sự đầu năm 2024
Mới đây, Tạp chí Fortune đã nêu ra những góc nhìn liên quan đến làn sóng sa thải nhân sự trong đầu năm 2024. Trong đó, ấn phẩm này đã chỉ ra mối liên hệ giữ sự tăng trưởng việc làm bùng nổ trong vài tháng gần đây và các động thái sa thải nhân sự của một số công ty lớn.
Làm thế nào cả hai điều này có thể xảy ra cùng một lúc như vậy? Theo đó, các đợt cắt giảm việc làm gần đây chủ yếu tập trung vào một vài lĩnh vực: công nghệ, tài chính và truyền thông.
Thực tế cho thấy nhiều công ty hiện đang cắt giảm những vị trí mà họ đã tuyển dụng quá nhiều người trong thời kỳ đại dịch. Điều này xảy ra khi tất cả đều cho rằng các xu hướng trong đại dịch như sự gia tăng mua sắm trực tuyến,... sẽ tiếp tục diễn ra.
Tuy vậy, khi nền kinh tế đi vào ổn định, nhiều công ty trong số này đã nhận ra rằng họ không còn cần nhiều nhân viên nữa và sa thải là động thái tất yếu.
Tuyển dụng và sa thải sau đại dịch là vấn đề không mới. Song, số liệu chỉ ra rằng trong tháng 1, các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng trong nhiều lĩnh vực khác ở Mỹ đã bổ sung thêm 353.000 việc làm - mức tăng hàng tháng lớn nhất trong một năm. Chính phủ cũng đã điều chỉnh ước tính tăng việc làm trong tháng 11 và tháng 12 thêm 126.000.
Dữ liệu cho thấy hầu hết các công ty, từ lớn tới nhỏ, đều tin tưởng vào nền kinh tế để tiếp tục tuyển dụng.
Những cái tên xuất hiện trong làn sóng sa thải đầu năm lại không còn quá xa lạ: Google, Amazon, eBay, UPS, Spotify và công ty mẹ của Facebook là Meta. Tuy nhiên, không phải chỉ mỗi mình họ làm thế.
Challenger, Gray & Christmas, một công ty hỗ trợ việc làm hàng đầu, đã báo cáo trong tuần này rằng các doanh nghiệp thông báo sa thải 82.000 nhân viên vào tháng 1, cao thứ hai trong cùng kỳ hàng năm kể từ năm 2009.
Dưới đây là một số nguyên nhân lý giải:
Sự gia tăng và cắt giảm việc làm diễn ra trong các ngành khác nhau
Trong hầu hết các ngành, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân sự trong ba tháng qua. Đơn cử, các nhà sản xuất đã bổ sung 56.000 người trong tháng 11, 12 và tháng 1/2024. Ngành nhà hàng, khách sạn và giải trí cũng tăng gần 60.000 việc làm trong cùng thời gian đó. Ngành chăm sóc sức khỏe - bệnh viện, phòng khám và nha sĩ, đã tạo ra một con số khổng lồ lên tới 300.000 việc làm mới.
Những công việc này cũng không phải là lương thấp. Nhóm nghề kế toán, kỹ sư, luật sư và nhân viên hỗ trợ của họ, đã có thêm 120.000 việc làm so với tháng 10. Chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương, những nơi đã lấy lại mức việc làm trước đại dịch vào tháng 9, cũng đã bổ sung gần 120.000 việc làm trong giai đoạn đó.
Ngược lại, việc cắt giảm việc làm đã trở nên tập trung. Bộ Lao động Mỹ không theo dõi cụ thể các công việc công nghệ, nhưng báo cáo việc làm mới đây đã chỉ ra dấu hiệu cho thấy sự khó khăn của ngành: Tỷ lệ thất nghiệp của những người lao động trong lĩnh vực mà chính phủ gọi là "thông tin", bao gồm các nhân viên truyền thông và công nghệ, đã tăng lên 5,5% trong tháng 1 từ 3,9% một năm trước. Con số này gần gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp quốc gia.
Cắt giảm việc làm không có nghĩa là nền kinh tế yếu
Điều gây khó hiểu hơn là tại sao các công ty lại cắt giảm nhân sự nếu nền kinh tế đang phát triển và người tiêu dùng vẫn chi tiêu. Tuần trước, chính phủ ước tính rằng nền kinh tế đã mở rộng ở mức khỏe mạnh 3,3% trên cơ sở hàng năm trong quý IV sau khi tăng trưởng mạnh mẽ 4,9% trong quý trước đó.
Các công ty có xu hướng cắt giảm việc làm vì nhiều lý do, đôi khi để phản ánh những thay đổi trong chiến lược kinh doanh hoặc duy trì hoặc tăng lợi nhuận. Nhiều công ty công nghệ cao đã tuyển dụng ồ ạt vào năm 2022, đã tính sai nhu cầu dài hạn về sản phẩm và dịch vụ của họ.
Trong khảo sát về việc cắt giảm việc làm, Challenger, Gray & Christmas cho biết lý do hàng đầu mà các công ty đưa ra trong tháng trước cho việc sa thải nhân viên là "tái cấu trúc". Trước đó, các nhà kinh tế học tại Renaissance Macro lưu ý rằng các công ty lo lắng hơn về tình trạng của nền kinh tế.
Todd McKinnon, Giám đốc điều hành của công ty phần mềm Okta, cho biết trong một thông báo về việc công ty sẽ cắt giảm khoảng 400 việc làm rằng họ đã bước vào năm 2023 với kế hoạch tăng trưởng dựa trên nhu cầu mà công ty đã trải qua trong năm trước.
Ông viết: "Điều này khiến chúng tôi tuyển dụng quá nhiều nhân sự so với thực tế kinh tế vĩ mô hiện tại."
Việc cắt giảm việc làm trải dài theo thời gian
Không phải cứ thông báo sa thải là các công ty sẽ cắt giảm ngay lập tức. Ví dụ, UPS, nhà cung cấp dịch vụ giao hàng và hậu cần, đã thông báo rằng họ sẽ cắt giảm 12.000 việc làm trong năm nay. Nhưng họ cho biết những khoản cắt giảm đó sẽ diễn ra trong nhiều tháng. Vì vậy, chúng không được đưa vào dữ liệu việc làm tháng 1 được công bố gần đây vì việc sa thải vẫn chưa diễn ra.
Làn sóng sa thải không gây ra nhiều tác động với nền kinh tế
Điều này không nhất thiết có nghĩa là số liệu việc làm của chính phủ sẽ xấu đi theo thời gian khi UPS và các công ty khác thực hiện cắt giảm. Việc cắt giảm việc làm gây ra sự đau khổ và xáo trộn sâu sắc cho những người phải chịu đựng chúng. Nhưng những đợt sa thải thậm chí có quy mô lớn như UPS cũng không thực sự tác động đến nền kinh tế rộng lớn của Mỹ.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy mỗi tháng có khoảng 5 triệu người bỏ việc hoặc bị sa thải, trong khi hơn 5 triệu người được tuyển dụng.
Một loạt dữ liệu khác xác nhận rằng nhìn chung, thị trường việc làm về cơ bản là lành mạnh. Số người xin trợ cấp thất nghiệp, từ lâu được coi là thước đo cho tình trạng sa thải nhân viên, vẫn ở mức rất thấp.
Dữ liệu từ nhà cung cấp bảng lương ADP, cho thấy các công ty thuộc khu vực tư nhân tiếp tục bổ sung thêm nhân viên.