Pháp dự thu gần 600 triệu USD mỗi năm từ đánh thuế các 'đại gia' internet
Pháp đề xuất đánh thuế lên các "ông lớn" internet.
Ông Le Maire nói với tờ Le Parisien rằng, khoản thuế này nhắm đến các công ty có doanh thu kĩ thuật số trên toàn cầu đạt ít nhất 750 triệu euro và doanh thu tại Pháp đạt hơn 25 triệu euro.
Mức thuế này sẽ nhắm vào khoảng 30 công ty, chủ yếu đến từ Mỹ. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Anh cùng một doanh nghiệp Pháp và một số công ty có gốc Pháp được mua lại bởi công ty nước ngoài cũng nằm trong diện trên, ông Le Marie cho biết.
Danh sách có Google, Amazon, Facebook và Apple (hay nhóm "GAFA"); Uber, Airbnb, Booking và công ty quảng cáo trực tuyến của Pháp - Criteo - cũng là mục tiêu.
"Hệ thống thuế cho thế kỉ 21 phải được xây dựng trên những gì có giá trị hiện nay, và đó chính là dữ liệu", ông Le Maire nói.
Ông còn cho hay thêm, đó cũng là vấn đề công lí tài khóa bởi các ông lớn kĩ thuật số thường trả thuế ít hơn 14 điểm % so với các công ty châu Âu có qui mô vừa và nhỏ.
Mức thuế công bằng hơn là yêu cầu chính trong các cuộc biểu tình Áo vàng nổ ra trên khắp nước Pháp trong ba tháng qua.
Ông Le Maire cho hay mức thuế này sẽ nhắm vào các công ty cung cấp nền tảng giao dịch và kiếm được hoa hồng khi doanh nghiệp tiếp cận được với khách hàng.
Các công ty bán sản phẩm của họ trên website của riêng công ty sẽ không bị nhắm đến trong chính sách thuế này, chẳng hạn như công ty bán lẻ Darty của Pháp, bán TV và máy giặt thông qua trang web của mình.
Tuy nhiên, các công ty như Amazon kiếm tiền nhờ vào vai trò một trung gian kĩ thuật số giữa nhà sản xuất và khách hàng sẽ phải nộp thuế.
Mức thuế cũng sẽ nhắm đến các doanh nghiệp bán dữ liệu cá nhân cho mục đích quảng cáo.
Nhằm tránh gây thiệt hại các công ty đã nộp thuế tại Pháp, số tiền nộp thuế sẽ được khấu trừ khỏi thu nhập trước thuế, ông Le Maire cho hay.
Bộ trưởng Tài chính Pháp sẽ trình một dự thảo cho nội các vào ngày 6/3, trước khi trình lên quốc hội.
Pháp vận động các công ty có doanh thu kĩ thuật số lớn ở Liên minh châu Âu (EU) phải trả thêm thuế, nhưng không đạt được nhiều bước tiến bởi chỉ Đức đồng thuận, trong khi các quốc gia thành viên EU khác, vốn có mức thuế doanh nghiệp thấp như Luxembourg và Ireland, kiên quyết phản đối đề xuất.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Weekly du Dimanche, CEO của Carrefour, ông Alexandre Bompard, cho hay đã đến lúc chấm dứt sự mất cân đối tài khóa giữa các doanh nghiệp kinh doanh tại các địa chỉ vật lí như của ông với những công ty internet của Mỹ và Trung Quốc.
"Họ tung sản phẩm ra thị trường thậm chí không trả thuế giá trị gia tăng, và hầu như không trả bất kì loại thuế nào khác, điều này không thể chấp nhận được. Cùng một cuộc chơi, họ phải đóng thuế giống những công ty khác", ông Bompard nhấn mạnh.