Phần Lan đã gia nhập NATO, khi nào đến lượt Thụy Điển?
Thụy Điển và cả nước láng giềng Phần Lan đều tuyên bố ý định gia nhập NATO thông qua chính sách mở cửa vào tháng 5 năm ngoái, chỉ vài tuần sau khi Nga tấn công Ukraine.
Phần Lan cuối cùng đã được chấp thuận vào NATO vào tháng 4 năm nay, giúp liên minh này tăng gấp đôi biên giới với Nga. Song, việc gia nhập của Thụy Điển hiện đang bị chặn lại.
Các lực lượng vũ trang của Thụy Điển được cho là khá phù hợp với NATO. Thụy Điển còn có một phái đoàn thường trực tại NATO và được coi là đối tác thân cân của liên minh, đồng nghĩa rằng việc gia nhập sẽ tương đối đơn giản.
Vậy tại sao Thụy Điển chưa thể bước chân vào liên minh quân sự lớn nhất thế giới?
Chướng ngại Thổ Nhĩ Kỳ
Vấn đề là Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO có tầm quan trọng chiến lược do vị trí địa lý ở cả Trung Đông và châu Âu, đồng thời là cường quốc quân sự lớn thứ hai của liên minh - đang ngăn cản Thụy Điển gia nhập vì một vài lý do.
Lập luận quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Thụy Điển cho phép thành viên của các nhóm khủng bố người Kurd hoạt động ở nước này, đáng chú ý nhất là Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Thụy Điển đã thay đổi luật chống khủng bố vào đầu năm nay, coi việc người dân tham gia vào các nhóm này là phạm tội. Tuy nhiên, chưa rõ liệu bước đi của Thụy Điển có đủ để xoa dịu Ankara hay không.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố rằng chính phủ Thụy Điển đã đồng loã trong các cuộc biểu tình cực hữu nơi người dân từng đốt các bản sao kinh Quran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.
Ngoài ra, một số người còn lo ngại về mối quan hệ thân thiết giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Không lâu trước khi tái đắc cử lần ba, trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Erdogan nói mình và Tổng thống Putin có “mối quan hệ đặc biệt”.
Giới chức NATO và chính phủ Thụy Điển đang lo lắng là nếu bỏ lỡ thời hạn 11/7, họ sẽ phát đi một thông điệp nguy hiểm tới các đối thủ của liên minh như Nga và Triều Tiên.
Theo CNN, 11/7 là ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO, dự kiến diễn ra tại thủ đô Vilnius của Lithuania (Litva).
Một nhà ngoại giao NATO nói với CNN: “Nếu bỏ lỡ thời hạn đó, những người như ông Putin sẽ nghĩ rằng có một liên kết yếu trong liên minh phương Tây. Điều này cho kẻ thù thời gian và cơ hội để gây rối”.
NATO cần làm gì?
Vậy, các đồng minh NATO có thể làm gì để Thổ Nhĩ Kỳ nhượng bộ? Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Quốc hội Mỹ phê chuẩn thương vụ mua máy bay chiến đấu F-16 do chính Mỹ sản xuất.
Mặc dù các quan chức Mỹ không muốn công khai ràng buộc vấn đề Thụy Điển và F-16 với nhau, họ cho biết hai bên có thể dàn xếp một thoả thuận đằng sau hậu trường.
Các nhà ngoại giao cũng nhận thức rõ rằng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang lâm vào tình cảnh tồi tệ, khi lạm phát tăng vọt và giá trị đồng nội tệ sụt giảm mạnh so với đồng USD.
Đồng thời, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đang áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ. Theo CNN, điều này cho thấy phương Tây có lợi thế khi đàm phán với Ankara.
Vấn đề thứ hai là Thổ Nhĩ Kỹ không phải quốc gia duy nhất phản đối Thụy Điện gia nhập NATO, mà trên thực tế còn có Hungary. Giả sử nếu ông Erdogan nhượng bộ, Hungary vẫn có thể ngăn chặn nỗ lực gia nhập của Thụy Điện. Do vậy, NATO còn phải thuyết phục Hungary.
Giữa lúc đó, các đồng minh thân Thụy Điển - bao gồm Mỹ và Anh (hai thành viên có ảnh hưởng nhất NATO) - đã kín đáo đảm bảo với Thụy Điển rằng giúp nước này vào liên minh là ưu tiên của họ, bất kể Thổ Nhĩ Kỳ làm gì.
Thụy Điển gia nhập NATO sẽ là tin mới nhất trong một danh sách dài các tin tốt lành cho liên minh kể từ khi Nga tấn công Ukraine, CNN nhận định.
Các quan chức NATO đã rất ngạc nhiên về mức độ đoàn kết của liên minh kể từ khi chiến sự tại Ukraine bắt đầu và rất vui mừng sau những cam kết mới về chi tiêu quốc phòng từ các nước thành viên.