|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 2] Tiêu điểm nông sản: Nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang bội thu, thanh long Bình Phước bấp bênh

18:35 | 28/12/2018
Chia sẻ
Đối với người trồng nhãn lồng ở Hưng Yên và vải thiểu Bắc Giang năm 2018 có thể coi là một năm khá trọn vẹn. Tuy nhiên, đối với những người nông dân trồng thanh long ở Bình Phước thì năm nay, nụ cười xem lẫn cả nước mắt.
phan 2 tieu diem nong san nhan long hung yen vai thieu bac giang boi thu thanh long binh phuoc bap benh

Doanh thu từ nhãn lồng Hưng Yên đạt kỉ lục

2018 đánh dấu một năm sản phẩm quả nhãn được đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt là đặc sản nhãn lồng Hưng Yên.

Hồi tháng 8, Hưng Yên tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và nông sản. Đây được xem một trong những bước đi mạnh mẽ của tỉnh trong việc thúc đẩy việc quảng bá thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán hàng và xuất khẩu nước ngoài.

Theo Cục Công Thương địa phương, các sự kiện xúc tiến thương mại kèm theo thời tiết thuận lợi đã tạo ra hiệu ứng tích cực khi tổng lượng tiêu thụ nhãn năm nay đạt 47.970 tấn, tương ứng hơn 99% tổng sản lượng thu hoạch.

Khoảng 1.743 tấn nhãn thực hiện tiêu thụ theo hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp, thương nhân, có các hệ thống chuỗi siêu thị lớn như BigC, Fivimart, Co.opmart, Vinmart...

Riêng tại sự kiện xúc tiến thương mại của Hưng Yên, lượng nhãn tiêu đạt trên 120 tấn. Theo UBND tỉnh Hưng Yên, năm 2018 tỉnh có 3.820 ha nhãn được thu hoạch cho sản lượng quả đạt trên 48.300 tấn. Đây là sản lượng lớn nhất từ trước tới nay, tăng 30% so với năm 2017.

Giá bán bình quân cả niên vụ dao động 22.000 - 25.000 đồng/kg, cá biệt có giống nhãn đường phèn, T6, T2... giá bán khoảng 70.000 - 130.000 đồng/kg.

Tổng doanh thu từ nhãn trên địa bàn toàn tỉnh giá trị thực tế đạt khoảng 1.050 tỉ đồng, tăng gần 300 tỉ đồng so với năm 2017.

Theo Cục Xuất nhập khẩu quả nhãn là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Đặc biệt nhu cầu nhãn từ Trung Quốc tăng mạnh khi trong 5 tháng đầu năm, 98% lượng nhãn Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này, theo Cục Xuất nhập khẩu.

Đáng chú ý, cùng với vải Lục Ngạn, cam Cao Phong, nhãn lồng Hưng Yên được Vietnam Airlines lựa chọn để phục vụ hành khách. Đây không đơn thuần là kênh tiêu thụ nhãn mới mà còn là cơ hội để quảng bá thương hiệu đặc sản của Hưng Yên rộng rãi đến thực khách nước ngoài.

phan 2 tieu diem nong san nhan long hung yen vai thieu bac giang boi thu thanh long binh phuoc bap benh

Bắc Giang thu về hơn 5.000 tỉ đồng từ cây vải thiều

Người trồng vải thiều ở Bắc Giang năm nay đón vụ mùa bội thu khi sản lượng 215.800 tấn vải, tổng giá trị ước đạt 5.755 tỉ đồng, tăng 124.300 tấn và gần 450 tỉ đồng so với sản lượng và giá trị của vụ vải năm ngoái.

Quả vải đang được xuất khẩu sang 30 thị trường trong đó có EU, Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt, giá nhãn tiến vua của Hưng Yên tại thị trường Mỹ lên tới 200.000 đồng/kg.

Giá vải cả vụ trung bình khoảng 16.000 đồng/kg. Đặc biệt, thời điểm đầu vụ, giá vải lên tới 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, tình trạng thương lái trừ lùi cân khi mua vải vẫn diễn ra. Mức trừ lùi khoảng 10 - 15% trọng lượng sọt hàng, theo phản ảnh từ VTV. Vấn đề này tồn tại chục năm nay nhưng người dân vẫn phải cam chịu và coi đây là “luật bất thành văn”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ từng lưu ý đối với mặt hàng nông sản tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp, tập đoàn, hệ thống phân phối bán lẻ, đối tác truyền thống để thông tin kết nối thị trường, tiêu thụ ổn định, tránh ùn tắc, bị ép giá tại cửa khẩu.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần sớm thực hiện đàm phán, mua bán theo hợp đồng thương mại chính thức, phòng tránh rủi ro cho cả người sản xuất nông sản và doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ.

Hồi tháng 6, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết 200 tấn vải thiều được Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm xuất khẩu sang Thái Lan bằng đường hàng không.

Theo đánh giá chung về mặt hàng hoa quả Việt Nam tại Thái Lan, ông Nguyễn Đương Kiên, Phó phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực, Vụ Châu Á, Châu Phi cho biết "thị phần hoa quả của Việt Nam tại Thái Lan chỉ chiếm 10% và nước này mới đây cũng cho phép chúng ta xuất khẩu xoài, thanh long, nhãn, vải.

Những loại hoa quả này tưởng chừng khó xuất khẩu sang Thái Lan nhưng nhờ ưu thế về thổ nhưỡng và khí hậu nên chất lượng quả của chúng ta được đảm bảo. Chẳng hạn như vị quả vải của chúng ta bùi và thơm hơn".

phan 2 tieu diem nong san nhan long hung yen vai thieu bac giang boi thu thanh long binh phuoc bap benh
(Ảnh: Hà Nội Mới)

Thanh Long Bình Thuận: Niềm vui xen lẫn nỗi buồn

Ngay từ sau Tết Mậu Tuất 2018, gá thanh long tại tỉnh Bình Thuận, tỉnh trồng thanh long lớn của Việt Nam, đạt kỉ lục 20.000 đồng - 22.000 đồng/kg do Trung Quốc đẩy mạnh thu mua.

Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi nên cây thanh long kết trái không nhiều. Điều này ảnh hưởng đến nguồn cung Thanh Long.

Tuy nhiên, niềm vui kéo dài không được bao lâu thì đến tháng 10, giá thanh long rớt thảm xuống còn 3.000-5.000 đồng đối với loại đẹp. Đối với loại thường, giá thậm chí giảm xuống chỉ còn 500 – 700 đồng/kg. Nguyên nhân là thời tiết bất lợi, ảnh hưởng đến chất lượng thanh long. Thêm vào đó, tồn kho từ phía Trung Quốc còn nhiều nên thương lái nước này giảm mua.

Giá thanh long rẻ là vậy nhưng vẫn không ai mua. Một số hộ phải đem ra ngoài đường quốc lộ bán lẻ nhưng vẫn không thấm vào đâu khi sản lượng thanh long quá lớn. Một số hộ thậm chí đổ đi hoặc làm thức ăn cho gia súc. Thậm chí có hộ không muốn thu hoạch do giá bán không bù lại được chi phí nhân công.

Tuy nhiên, đến nay, khi dịp Tết đang cận kề, giá thanh long phục hồi mạnh trở lại lên 18.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại, tức là gấp khoảng 4 lần so với mức giá thấp kỉ lục.

phan 2 tieu diem nong san nhan long hung yen vai thieu bac giang boi thu thanh long binh phuoc bap benh

Xem thêm

Đức Quỳnh

[LIVE] ĐHĐCĐ Khang Điền: Mở bán khu thấp tầng dự án liên doanh với Keppel Land từ cuối năm 2024, kinh doanh giai đoạn 1 KCN Lê Minh Xuân vào năm 2025
Theo kế hoạch năm nay, Khang Điền sẽ mở bán các sản phẩm nhà phố, biệt thự ở TP Thủ Đức và chuẩn bị đưa vào kinh doanh khu công nghiệp khi điều kiện thuận lợi.