[Phần 2] Doanh nghiệp châu Á ứng phó với biến đổi khí hậu: Những giải pháp ban đầu
[Phần 1] Doanh nghiệp châu Á ứng phó với biến đổi khí hậu: Những thiệt hại nặng nề |
Lũ lụt ở thủ đô Manila đã trở nên phổ biến đến nỗi chính phủ Philippines đang tìm kiếm các nhà đầu tư để tài trợ cho một thành phố hoàn toàn mới cách thủ đô 80 km về phía bắc. Thành phố Green Clark được bao quanh bởi những ngọn núi, giúp che chắn thành phố khỏi những cơn bão. Ngoài ra, Green Clark còn tránh được các đợt lũ lụt nhờ có bề mặt thềm lục địa cao.
Để đối phó với những cơn bão ngày càng nghiêm trọng này, chính phủ, các tổ chức tài chính và các công ty đang chuyển hướng sang công nghệ. Risk Management Solutions, một công ty sản xuất phần mềm ở Thung lũng Silicon, đã phát triển mô hình dự báo thảm hoả thiên tai để giúp con người hiểu rõ hơn về rủi ro sẽ phải gánh chịu. Phòng thí nghiệm Descartes có trụ sở ở Mexico mới đây đã tạo ra một phần mềm "lọc dữ liệu" để xử lý hình ảnh từ các vệ tinh của NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu nhằm tạo ra một "bản sao dữ liệu số của toàn hành tinh".
Ông Tim Hollinrake đến từ tổ chức McLarens chia sẻ: "Có ý kiến cho rằng những thảm họa thiên nhiên sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và có vẻ đang có rất nhiều cuộc thảo luận về cách ứng phó với tình trạng này xét từ khía cạnh bảo hiểm".
Sóng thần được tạo ra bởi cơn bão Jebi lao vào một cảng cá ở Aki, tỉnh Kochi, miền tây Nhật Bản, ngày 4/9/2018. Ảnh: Nikkei |
Một nhà phân tích ngành bảo hiểm trao đổi với Nikkei rằng "các quốc gia như Philippines và Indonesia, với mức độ thảm họa lớn nhưng lại rất ít phương án bảo vệ, đang xem xét các cách tăng phạm vi bảo hiểm."
Một phương án đang được nghiên cứu là bảo hiểm vi mô. Một cách khác là phát hành trái phiếu thiên tai, cung cấp cho chính phủ tiền tài trợ sau thảm họa thiên tai.
Các công ty bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở Trung Quốc thường nhận được hỗ trợ từ chính phủ.
"Tại Trung Quốc, chính phủ dường như thích đảm nhiệm vai trò người tái bảo hiểm cuối cùng, vì chính phủ thường nhảy vào và thực hiện giải cứu khi thảm họa xảy ra", nhà phân tích nói với Nikkei. "Tuy nhiên, các khoản lỗ đang tăng lên và vì vậy tôi nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc hiện đang phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm tư nhân và giảm gánh nặng này."
Ngân hàng Phát triển Châu Á đã đưa ra lời nhắc nhở trong một báo cáo năm 2017 rằng 6 trong số 10 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thời tiết khắc nghiệt bao gồm: Bangladesh, Myanmar, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. ADB ước tính rằng gần 49% dân số Bangladesh và 55% của Việt Nam - khoảng 135 triệu người - dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển tăng do biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu của Trường Khoa học Trái đất Stanford được báo cáo vào năm 2014 bởi tạp chí Nature Climate Change đã xác nhận lại những quan sát của nông dân Ấn Độ rằng mùa gió mùa đã không còn như trước. Có những trận mưa lớn đến sớm hơn trong năm và những đợt khô hạn kéo dài hơn.
Nguồn: Ngân hàng Phát triển Châu Á |
"Có nhiều dự đoán rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ gây ra những trận mưa lớn hơn và những đợt khô hạn thường xuyên hơn", theo ông Noah Diffenbaugh, một trong những nhà nghiên cứu của Stanford.
IPCC cho biết trong một báo cáo năm 2014 về tác động và ngập lụt ven biển: "Trong thế kỷ 21, lợi ích của việc bảo vệ chống lũ lụt và mất đất ven biển gia tăng do ảnh hưởng của ngập nước và xói mòn ở quy mô toàn cầu sẽ lớn hơn lượng chi phí kinh tế và xã hội nếu không hành động".
Các kịch bản nghiêm trọng có thể xảy ra do ngập lụt bao gồm chiến tranh, bất ổn xã hội, nguồn thực phẩm và nguồn cung cấp nước ngọt bị gián đoạn, nạn đói và hạn hán trầm trọng hơn do sông ngòi mất nước.
Bà Lisa Guppy của UNEP lưu ý rằng một trong những mối đe dọa từ ngập lụt không còn xa lạ nhưng cũng đủ gây ảnh hưởng không nhỏ: "Hầu như mọi đợt bão dâng hoặc các thảm họa bất ngờ về nước sẽ gây quá tải cho hệ thống cống thoát nước, nhưng về cơ bản, chúng ta không biết phải làm gì về điều đó. Nó vẫn cứ xảy ra."