[Phần 1] Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhờ Hồng Kông như thế nào?
(Nguồn: AFP) |
Buôn báo gạo đã mở ra vận may cho nhiều thương gia Trung – Thái
Tương tự các doanh nhân Trung – Thái thành công khác, ông Vichai Sriprasert cũng đã thấm nhuần phong cách làm việc của người Trung Quốc từ khi còn trẻ.
Ông Vichai Sriprasert. (Ảnh: Mick Elmore) |
“Bà tôi sẽ nói rằng: Hãy trung thực, làm việc chăm chỉ và đừng tiêu hoang’”, Vichai kể. Doanh nhân 75 tuổi sống cùng bà tại Bangkok trong khi bố mẹ điều hành một nhà máy gạo tại tỉnh Ayutthaya, thuộc miền trung Thái Lan.
Mặc câu châm ngôn của bà, gia đình vẫn sẵn sàng đầu tư tiền cho Vichai đến Mỹ nhằm theo đuổi chuyên ngành kinh tế tại Đại học Michigan.
Ông quay trở lại Thái Lan để giúp bố điều hành cơ ngơi của gia đình vào những năm 1970. Ông thuyết phục bố mình chuyển sang xuất khẩu gạo đồ, thay vì gạo trắng hay gạo hoa nhài.
“Những gì tôi học được ở trường chính là về sự khác biệt giữa các sản phẩm. Bạn phải làm gì đó để sản phẩm khác biệt với các đối thủ”, Vichai kể.
Gạo đồ được ngâm trong nước nóng, sau đó hấp để tinh bột trong hạt gạo kết dính và mang lại những hạt cơm trắng trẻo cũng như kết cấu thơm dẻo.
Vichai đã giới thiệu kĩ thuật đồ gạo của Mỹ tại Thái Lan và bắt đầu xuất khẩu gạo Thái đến các thị trường mới.
“Tôi quản lí thị trường Nam Phi trong nhiều thập kỉ và đã thay thế hoàn toàn gạo đồ của Mỹ tại đây bởi giá gạo của chúng tôi rẻ hơn 100 USD/tấn”, Vichai kể. “Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền".
(Nguồn: AFP) |
Trong nhiều thập kỉ, Thái Lan là đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thay thế Myanma sau năm 1962 khi Tướng Ne Win tổ chức cuộc đảo chính và biến nền kinh tế Miến Điện tê liệt ngành xuất khẩu gạo trong giai đoạn này.
Tuy chỉ đứng thứ 6 thế giới về sản lượng gạo, Thái Lan từ lâu đã đạt mức thặng dư 10 triệu tấn mỗi năm, nhờ vào hệ thống đập nước được xây dựng vào những năm 1950 đến 1960 để tưới tiêu cho vùng đồng bằng màu mỡ và tính nhạy bén trong kinh doanh của các nhà xuất khẩu gạo.
Trước đó, giữa thế kỉ 19, Thái Lan đã là nước xuất khẩu gạo cho miền nam Trung Quốc.
(Nguồn: AFP) |
Buôn bán gạo, như phần lớn các ngành kinh doanh sinh lợi khác, đều do hoàng gia độc quyền cho đến khi Vua Mongkut (1851 – 1868) lên trị vì. Là một học giả, Vua Mongkut cho phép tự do buôn bán gạo ngay khi vừa lên ngôi và sau đó mở rộng ra thương mại quốc tế với Hiệp ước Bowring năm 1855.
Buôn báo gạo đã mở ra vận may cho nhiều thương gia Trung – Thái, chẳng hạn như nhóm thương gia gồm Wang Lee (ngân hàng), Bulakul (địa ốc), Trivisvavet (xây dựng) và Assakul (thủy tinh).
“Cửa hàng gạo đầu tiên của Wang Lee nằm ở Swato (Shantou ngày nay)”, Sanan Wanglee, Giám đốc điều hành của Lhong 1919, một cảng biển và kho hàng cũ trên sông Chao Phraya (Bangkok), gần đây vừa trở thành một điểm du lịch, kể. “Ông bắt đầu đem đường xuất xứ từ Hồng Kông để đổi lấy gạo xuất xứ Swato và sau khi trở thành chủ tàu, ông bắt đầu buôn bán gạo từ một nơi xa hơn, Thái Lan”.
Gia đình Wang Lee chuyển đến Thái Lan vào những năm 1850, sau cùng trở thành một trong những nhà buôn gạo lớn. “Người Trung Quốc thường mang đến đây trà, vải lụa và đồ gốm sứ và rời đi cùng gạo”, Sanan nói.
Sau này, gia đình Wang Lee dấn thân vào ngành tài chính, bắt đầu với việc chuyển kiều hối của người lao động Trung Quốc từ Thái Lan về Trung Quốc và cuối cùng, thành lập Wang Lee Bank, sau này đổi tên thành Nakornthon Bank.
Wanglee vẫn tiếp tục tham gia xuất khẩu gạo và là một trong những thành viên lớn tuổi nhất Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA), một nhóm lớn người Trung – Thái chịu trách nhiệm cho khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan và đã kỉ niệm 100 năm thành lập vào ngày 9/11/2018.
Những người Triều Châu tại Thái Lan kinh doanh gạo
Khi Thái Lan bắt đầu mở rộng xuất khẩu gạo vào những năm 1960, thị trường xuất khẩu lớn đầu tiên của nước này là Hồng Kông, nơi các thương gia có thể giao tiếp dễ dàng.
Nhiều nhà nhập khẩu gạo tại Hồng Kông là người Triều Châu, một nhóm nói tiếng phương ngữ chiếm ưu thế tại Thái Lan (người Triều Châu sống tại tỉnh Phúc Kiến hoặc phía đông của tỉnh Quảng Đông, thuộc miền nam Trung Quốc). Vichai, giám đốc điều hành của Riceland International, là một người Triều Châu thế hệ thứ tư.
Ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch TREA. (Ảnh: Mick Elmore) |
“Phần lớn nhà nhập khẩu gạo ở Hồng Kông đều sống ở quận Sheung Wan trên đảo Hồng Kông”, ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch TREA, chia sẻ. “Họ có một hiệp hội nhập khẩu gạo tại đó và tôi dám chắc hơn một nửa là người Triều Châu”.
Ví dụ, Công ty Xay xát Gạo Bangsue Chia Meng đã xuất khẩu gạo gạo hoa nhài sang Hồng Kông hơn 60 năm dưới thương hiệu Golden Phoenix.
“Hồng Kông là thị trường xuất khẩu đầu tiên của chúng tôi”, Giám đốc điều hành của công ty, Vallop Manathanya, kể. “Chúng tôi có hai khách hàng lớn tại đó và cậu tôi có thể nói tiếng Triều Châu với họ”.
Bangsue Chia Meng hiện nay là một nhà xuất khẩu gạo hoa nhài lớn trên thế giới. “Hồng Kông là một thị trường ổn định”, Vallop nói. “Khách hàng của chúng tôi là người Trung Quốc định cư khắp nơi trên thế giới và khi họ muốn ăn gạo ngon từ Thái Lan, họ sẽ tìm kiếm các đầu mối tại Hồng Kông”.
Đón đọc [Phần 2] Khi gạo Thái Lan không thể cạnh tranh trên thế giới, đây là cách các DN hành động
Xem thêm |