|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

PG Bank rục rịch lên UPCoM, bỏ ngỏ thương vụ sáp nhập với HDBank

16:43 | 09/11/2020
Chia sẻ
PG Bank có kế hoạch đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM trong bối cảnh thương vụ sáp nhập với HDBank không có tiến triển. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm một số cá nhân từng làm việc tại MSB vào ban điều hành làm dấy lên nghi ngờ về sự thay đổi cơ cấu cổ đông của nhà băng này.

IMG_7322 (2) (1).jfif

Một điểm giao dịch của PG Bank. (Ảnh: PG Bank)

Rục rịch lên UPCoM khi cổ đông lớn nhất 'dọa' thoái vốn

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) mới đây cho biết đang có kế hoạch nộp hồ sơ đăng kí giao dịch 300 triệu cổ phiếu trên thị trường UPCoM. Do vậy, ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 26/10 để đăng kí chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Sau khi chốt danh sách cổ đông, PG Bank sẽ tiếp tục hoàn tất các thủ tục khác để đăng kí lưu kí tập trung tại VSD và đăng kí giao dịch trên UPCoM theo qui định. Ngày giao dịch chính thức trên UPCoM sẽ được ngân hàng thông báo trong thời gian tới.

Những chuyển biến mới tại PG Bank diễn ra trong bối cảnh kế hoạch sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) vẫn đang để ngỏ. Mặc dù đã có đề án và được cổ đông thông qua, cũng từng được chấp thuận về chủ trương từ phía Ngân hàng Nhà nước, song đến thời điểm này thương vụ trên vẫn chưa có tiến triển gì thêm.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra vào ngày 24/6, ông Trần Ngọc Năm, thành viên HĐQT, đại diện sở hữu vốn của Petrolimex tại PG Bankcho biết, đến ngày 31/8/2020, nếu PG Bank và HDBank không thực hiện sáp nhập, Petrolimex sẽ thoái vốn tại PG Bank.

"Tôi đã thay mặt ban lãnh đạo Petrolimex kí gửi văn bản sang HDBank dưới tư cách một cổ đông thông báo với ngân hàng này, đến ngày 31/8, không thực hiện được vấn đề sáp nhập, Petrolimex sẽ thoái vốn. Điều này có nghĩa sẽ không thực hiện sáp nhập nữa. Nếu 60% cổ đông khác vẫn quyết sáp nhập thì đó là quyền của các cổ đông khác. Còn chúng tôi sở hữu 40% sẽ thoái vốn", ông Năm nhấn mạnh.

"Qui định nhà nước bắt chúng tôi phải thoái thoái vốn, thậm chí chúng tôi phải thoái toàn bộ vốn tại PG Bank chứ không phải chỉ xuống 15% nếu không được Thủ tướng chấp thuận", ông Năm nói thêm.

Về phía PG Bank, cũng tại đại hội cổ đông thường niên 2020, ban lãnh đạo ngân hàng này khẳng định sẽ đẩy mạnh lộ trình sáp nhập với HD Bank và tiến hành làm việc với cơ quan quản lí để đốc thúc tiến độ.

"HĐQT PG Bank sẽ cố gắng thúc đẩy quá trình sáp nhập một cách nhanh nhất, tránh để ngân hàng hoạt động trong tình trạng không rõ ràng. Tuy nhiên chúng ta đang trong quá trình thực hiện hợp đồng với HDBank, đòi hòi phải nghiên cứu kĩ lưỡng. Khi có đề xuất xây dựng phương án sáp nhập, chúng tôi sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua", Ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng PG Bank cho biết.

Đến nay, hạn cuối 31/8 mà đại diện phía Petrolimex đưa ra đã qua được hơn 2 tháng nhưng vẫn chưa có bất kì thông tin nào về giao dịch cổ phiếu PG Bank được công bố trên cổng công bố thông tin của SSC. Hơn nữa, đến cuối tháng 9, Petrolimex vẫn ghi nhận sở hữu gần 40,6% vốn điều lệ tại ngân hàng này, với giá trị ghi sổ là hơn 1.541 tỉ đồng.

Tại một báo cáo phân tích mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá "Khả năng HDBank mua lại PG Bank khá thấp" và cho biết ban lãnh đạo HDBank "lo ngại rằng thương vụ này khó có khả năng xảy ra trong tương lai".

123781718_803096797140153_1797679047422965077_n.png

Tỉ lệ sở hữu của Petrolimex tại PG Bank tại thời điểm 30/9. (Nguồn: BCTC Petrolimex quí III).

Sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo cấp cao

Trong bối cảnh thương vụ sáp nhập với HDBank vẫn chưa rõ kết quả, một diễn biến mới liên quan đến bộ máy nhân sự cấp cao của PG Bank lại làm dấy lên nghi ngờ về sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông nhà băng này.

Theo đó, HĐQT PG Bank mới đây đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng làm Quyền Tổng Giám đốc PG Bank từ ngày 2/11/2020. Đồng thời, HĐQT ngân hàng đã miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Tiến Dũng và bổ nhiệm ông Dũng làm Phó Chủ tịch ngân hàng nhiệm kì 2020 – 2025.

Đáng chú ý, trước khi gia nhập PG Bank, ông Hùng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Công nghệ và vận hành, rồi sau này được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối vận hành của MSB. Ngoài ra, ngày chính thức bị bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc tại MSB (2/11) cũng là ngày đầu tiên ông Hùng nhận chức tại PG Bank.

Trước ông Hùng, hôm 22/5/2020, ông Hoàng Xuân Hiệp - một nhân sự cao cấp từng làm việc tại MSB cũng gia nhập và được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc PG Bank, phụ trách điều hành và xử lí các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.

Theo giới thiệu của PG Bank, ông Hiệp từng đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao tại MSB trước đó, như Phó Tổng Giám đốc; Tổng Giám đốc công ty quản lý và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Hàng Hải.

Liên tiếp hai nhân sự từng làm việc ở MSB, được bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng tại PG Bank có thể chỉ là trùng hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương vụ sáp nhập với HDBank vẫn chưa rõ ràng, việc bổ nhiệm này tạo ra nghi vấn về khả năng MSB đang gia tăng ảnh hưởng tại PG Bank. 

Đặc biệt là khi đến cuối năm 2018, MSB vẫn là cổ đông lớn sở hữu 9,98% vốn tại PG Bank. Trong năm 2019, lãnh đạo MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cp, nhưng đến nay vẫn chưa rõ bên nào mua vào.

Quốc Thụy

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.