|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Panasonic lạc quan về kết quả kinh doanh của năm tài chính hiện tại

02:34 | 11/05/2021
Chia sẻ
Công ty sản xuất hàng điện tử Panasonic (Nhật Bản) ngày 10/5 cho biết, lợi nhuận ròng của công ty này ước tăng 27,2% lên 210 tỷ yen (1,9 tỷ USD) trong năm kinh doanh hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2022), nhờ sự tăng trưởng trong mảng kinh doanh máy móc ô tô, cung cấp pin xe điện cho “gã khổng lồ” Tesla Inc. của Mỹ.

Sự phục hồi kết quả kinh doanh của Panasonic dự kiến sẽ diễn ra một năm sau khi chứng kiến đại dịch COVID-19 đã làm suy giảm mạnh mẽ nhu cầu đối với thiết bị điện tử giải trí sử dụng trên các máy bay của Panasonic do hoạt động sản xuất máy bay bị đình trệ. 

Điều này đã khiến tổng doanh thu trong năm tài chính 2020 của Panasonic giảm xuống dưới mốc 7.000 tỷ yen lần đầu tiên sau 25 năm, xuống còn 6.700 tỷ yen. 

Lợi nhuận ròng trong năm kinh doanh kết thúc vào tháng 3/2021 của Panasonic giảm 26,9%, xuống còn 165,08 tỷ yen.

Trong năm tài chính 2021, doanh số bán hàng của Panasonic  được dự báo sẽ tăng 4,5%, lên 7.000 tỷ yen và lợi nhuận hoạt động dự kiến sẽ tăng 27,6% lên 330 tỷ yen, so với mức tương ứng 258,60 tỷ yen trong năm trước đó.

Máy móc tự động, một trong những lĩnh vực tăng trưởng chính của công ty có trụ sở tại Osaka này, dự kiến sẽ đạt lợi nhuận hoạt động 50 tỷ yen trong năm kinh doanh hiện tại, sau khi cũng làm ăn có lãi vào năm tài chính 2020.

Panasonic đang tăng cường sản xuất pin cho hãng xe điện Tesla, giữa lúc mà thị trường ô tô điện đang thu hút sự chú ý của mọi người nhờ xu hướng trung hòa carbon trên toàn cầu.

Giám đốc Tài chính của Panasonic Hirokazu Umeda cho biết, các số liệu kinh doanh ước tính cho năm kinh doanh hiện tại là phù hợp, bởi nó tính đến chi phí nguyên liệu thô tăng cao, chẳng hạn như đồng, cũng như khả năng công ty này có thể cung cấp đày đủ các đơn đặt hàng hay không do nguồn cung chip đang rất eo hẹp.

Panasonic đã và đang chuyển nhiều nguồn lực hơn sang các lĩnh vực phát triển mạnh như pin và nhà máy tự động hóa, đồng thời rà soát các hoạt động kinh doanh thua lỗ của mình.

Mảng kinh doanh máy thu hình (TV) của công ty này đang gặp khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài ngày càng khắc nghiệt. Ông Umeda cho biết, Panasonic đã tạm dừng sản xuất TV tại các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam, cũng như ở Tochigi, phía bắc Tokyo.

Trong năm kinh doanh vừa qua, doanh số bán điều hòa không khí, tủ lạnh và máy giặt của Panasonic tăng mạnh, hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng khi đại dịch bùng phát khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn ở nhà.

Trong mảng kinh doanh "giải pháp kết nối" bao gồm các thiết bị giải trí trên máy bay, doanh thu của Panasonic giảm 21%, xuống 818,2 tỷ yen và mức thua lỗ hoạt động là 20 tỷ yen.

Panasonic gần đây đã quyết định mua lại công ty phần mềm Blue Yonder Group Inc. (Mỹ), công ty cung cấp các giải pháp hậu cần dựa trên trí tuệ nhân tạo và máy móc. Động thái này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của ngành sản xuất, vốn cho đến nay vẫn dựa trên việc bán hàng hóa.

Minh Trang