|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ôtô Đông Nam Á: Mỗi nơi tìm hướng đi riêng

21:19 | 01/10/2018
Chia sẻ
Chung tham vọng nội địa hóa ngành công nghiệp sản xuất ôtô nhưng các quốc gia Đông Nam Á đã chọn những hướng phát triển khác nhau.

Chung tham vọng nội địa hóa ngành công nghiệp sản xuất ôtô nhưng các quốc gia Đông Nam Á đã chọn những hướng phát triển khác nhau.

Công nghiệp sản xuất ôtô là ngành có tính phức tạp cao, khó để các nước độc lập phát triển từ con số không. Sự hiện diện của các ông lớn xe hơi nước ngoài là chuyện tất yếu, nhưng hợp tác như thế nào lại có sự khác biệt giữa các quốc gia Đông Nam Á.

Thái Lan muốn trở thành ông lớn gia công

Hiện là nước sản xuất ôtô lớn nhất Đông Nam Á, Thái Lan lựa chọn cho mình con đường trở thành trung tâm gia công, lắp ráp xe hơi của các hãng lớn như BMW, Mercedes, Toyota hay Nissan...

oto dong nam a moi noi tim huong di rieng

Thái Lan hiện là cường quốc về lắp ráp xe hơi. Ảnh: Tùng Tin.

So với các chính phủ khác trong khu vực có định hướng xây dựng các hãng xe nội địa, Thái Lan sớm liên minh với các nhà sản xuất lớn trên thế giới để giảm thời gian nghiên cứu và phát triển. Chính phủ Thái Lan hỗ trợ các nhà sản xuất linh kiện để tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm lắp ráp trong nước.

Những năm 1970, nước này từng nhiều lần tăng thuế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) và tăng cường các quy định về nội địa hóa (lên tới 25% vào năm 1975).

Tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ để xe lắp ráp nội địa cạnh tranh với xe nhập khẩu khiến nhà chức trách Thái Lan có động thái mạnh tay hơn. Sau khi tăng thuế đối với xe CBU lên 150%, thậm chí xe nhập khẩu bị cấm vào năm 1978, tỷ lệ xe nội địa tăng lên rõ rệt. Năm 1983, tỷ lệ nội địa hóa trên xe lắp ráp tại Thái Lan đạt 45%.

Thái Lan liên tục siết chặt quy định nhập khẩu xe tới tận năm 1991, khi xe hơi lắp ráp nội địa Thái Lan đã tìm được chỗ đứng nhất định, nước này mới nới luật và cho phép xe CBU được nhập khẩu. Các dòng xe CBU Hàn Quốc giá rẻ ngay lập tức tràn vào thị trường Thái Lan, nhưng xe hơi lắp ráp tại nước này vẫn đủ sức cạnh tranh sòng phẳng.

Nhờ những chính sách mạnh tay và mang tính bảo hộ, công nghiệp ôtô Thái Lan đã phát triển tới vị trí lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 12 trên thế giới. Hiện có 14 hãng xe lớn trên thế giới đặt nhà máy tại Thái Lan, với sản lượng khoảng 2 triệu chiếc/năm, nhiều hơn so với các nước Bỉ, Anh, Italy, Cộng hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ cộng lại.

Malaysia làm thương hiệu riêng

Sản phẩm rõ ràng nhất của quá trình xây dựng ngành công nghiệp xe hơi kéo dài hơn 30 năm của Malaysia chính là hai hãng xe "Made in Malaysia" là Proton và Perodua.

oto dong nam a moi noi tim huong di rieng

Động thái đầu tiên trong tham vọng xe hơi của Malaysia chính là sự ra đời của Proton, hay còn gọi là Dự án xe hơi quốc gia, vào năm 1985 và mẫu xe đầu tiên của hãng, một sản phẩm bắt tay với hãng xe Nhật Bản Mitsubishi - chiếc Proton Saga, cũng ra đời cùng năm.

Khác với Thái Lan, Malaysia chỉ dành cho phía đối tác Nhật Bản 17% sở hữu. Nước này cũng áp dụng chính sách thuế ưu đãi nhằm giúp Proton áp đảo các đối thủ, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Chẳng hạn, Proton chỉ phải trả 13% thuế linh kiện nhập khẩu, chủ yếu là động cơ và bộ truyền động từ Nhật Bản, trong khi các công ty nước ngoài tại Malaysia phải trả 42%.

Nhờ việc bắt tay đối tác Nhật Bản và những ưu đãi thuế, Proton thu hút người dùng tại Malaysia nhờ chất lượng và công nghệ của Nhật nhưng giá cả lại cạnh tranh. Nhu cầu về xe hơi khi đó mạnh đến nỗi các khách hàng phải nằm trong danh sách chờ hàng năm trời mới được sở hữu một chiếc Proton mới.

Dù từng có thời kỳ huy hoàng nhờ những ưu đãi cả về vốn lẫn chính sách mang tính bảo hộ của chính quyền Malaysia, Proton vẫn sa sút vào giai đoạn năm 1998 khi khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra. Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khiến Proton rơi vào khó khăn về tài chính.

Bên cạnh đó, việc Malaysia gia nhập các hiệp định thương mại tự do cũng khiến hàng rào thuế quan từng bảo vệ Proton bị gỡ bỏ và hãng gặp khó khi các đối thủ nước ngoài tràn vào.

Chính quyền Malaysia tiếp tục phải bơm vốn cho Proton sinh tồn, tuy nhiên đặt ra điều kiện hãng phải hợp tác chặt hơn với một doanh nghiệp xe hơi nước ngoài thông qua bán cổ phần.

Tới năm 2017, công ty mẹ của Proton là DRB-HICOM thông báo hãng đã bán 49,9% cổ phần Proton cho hãng xe Trung Quốc Zhejiang Geely.

Cái tên còn lại của ngành công nghiệp xe hơi Malaysia là Perodua. Hãng ra đời năm 1992 và ra mắt chiếc xe đầu tiên vào năm 1994.

Giống như Proton, đối tác Nhật Bản của Pedodua là Toyota cũng chỉ nắm 20% cổ phần tại hãng rồi tăng dần lên 35% trong thời gian gần đây, phần lớn vẫn nằm trong tay các công ty nội địa Malaysia.

oto dong nam a moi noi tim huong di rieng

Một chiếc Proton Saga xuất khẩu sang Anh năm 1991. Ảnh: Rob_sg.

Perodua khởi đầu chủ yếu sản xuất xe nhỏ dành cho đô thị và xe siêu nhỏ. Do không cạnh tranh trực tiếp với bất kỳ mẫu xe nào của Proton nên hãng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần nhờ lượng khách hàng trung lưu đông đảo.

Để chiếm cảm tình người tiêu dùng, Perodua ưu tiên sử dụng như bộ phận quan trọng từ đối tác Nhật Bản như động cơ, hộp số. Với chiến lược khôn khéo, sản xuất những chiếc xe rẻ tiền nhưng chất lượng tốt để phục vụ 19 triệu người thu nhập trung bình tại Malaysia, Perodua trở thành lựa chọn số một cho những người Malaysia muốn một chiếc xe hơi thay thế xe máy nhưng không có quá nhiều tiền.

Năm 2016, Perodua bán được 207.100 xe, lập kỷ lục bán hàng từ khi thành lập và chiếm thị phần 35,7%. Mẫu Perodua Myvi liên tiếp trở thành chiếc xe bán chạy nhất tại Malaysia từ năm 2006 đến 2013.

Ngô Minh