Ông Trần Phương Bình sắp bị xét xử trong vụ án thứ 4
Ông Bình (65 tuổi, cựu tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB); Nguyễn Đức Tài (56 tuổi, nguyên giám đốc DAB Sở giao dịch); Nguyễn Thị Ngọc Vân (54 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc DAB) và Nguyễn Thị Ngọ (70 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Châu Á Thái Bình Dương) sẽ bị TAND TP HCM xét xử về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng vào ngày 28-29/3.
Đây là vụ án thứ 4 ông Bình bị đưa ra xét xử liên quan đến các sai phạm trong thời gian điều hành DAB. Trước đó, ông Bình nhận 3 bản án của TAND Cấp cao tại TP HCM, TAND TP HCM và TAND Hà Nội với mức án tổng hợp là chung thân.
Năm 2007, DAB phát hành cổ phần chào bán ra công chúng hai lần để tăng vốn điều lệ từ 880 tỷ lên 1.600 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, ông Trần Phương Bình đã bàn bạc và thống nhất với doanh nhân Nguyễn Thị Ngọ về việc tham gia mua cổ phần tăng vốn DAB bằng chính nguồn tiền vay của ngân hàng này. Ông Bình chỉ đạo cấp dưới tại Sở giao dịch Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng, quận 7 và Chi nhánh Hà Nội cho bà Ngọ vay 10 khoản tổng cộng hơn 297 tỷ đồng.
Bà Ngọ sử dụng gần 270 tỷ trong số này, cùng với tiền vay thêm từ nhiều ngân hàng khác (hơn 69 tỷ đồng) để mua 26.500 cổ phần DAB với giá 339 tỷ đồng. Đến năm 2008, khi các khoản vay nói trên đến hạn nhưng không có khả năng trả cho các ngân hàng, bà Ngọ tiếp tục đề nghị ông Bình chỉ đạo cấp dưới cho vay tiếp 115 khoản, tổng số hơn 1.055 tỷ đồng để đảo nợ. Quá trình vay tiền, bà Ngọ nhờ hàng chục người thân quen, nhân viên đứng tên hồ sơ giúp.
Ông Bình với vai trò là Tổng giám đốc DAB đã chỉ đạo Tài, Vân ký tờ trình để phê duyệt cho bà Ngọ vay đảo nợ, che giấu nợ xấu cho ngân hàng. Các hồ sơ không thẩm định điều kiện vay vốn, không kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo. Đến nay các khoản vay này còn dư nợ 1.236 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo gần 255 tỷ đồng, hành vi của ông Bình và đồng phạm gây thiệt hại cho DAB gần 981 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.
Đối với một số nhân viên cấp dưới tham gia duyệt hồ sơ, là người làm công ăn lương, có quan hệ phụ thuộc, không được hưởng lợi, nên cơ quan điều tra không xử lý hình sự. Tương tự, những người được bà Ngọ nhờ đứng tên là người thân trong gia đình, nhân viên, không được bàn bạc hay biết mục đích các khoản vay nên cũng không bị xử lý.