|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Tập báo hiệu muốn hợp tác với Mỹ, cam kết cắt giảm thuế quan

17:17 | 19/11/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cắt giảm thuế quan và kí kết thêm hiệp định thương mại tự do. Ông Tập cũng phát tín hiệu rằng Trung Quốc vẫn muốn làm ăn với Mỹ bất chấp căng thẳng giữa hai nước trong thời gian qua.
Ông Tập báo hiệu muốn hợp tác với Mỹ, cam kết cắt giảm thuế quan - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP)

Hôm 19/11, ông Tập ra hiệu rằng nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ tiếp tục hợp tác với những quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ.

Căng thăng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã leo thang trong hai năm qua. Dù thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ-Trung đã được kí kết hồi tháng 1, bất đồng giữa hai bên đã lan sang lĩnh vực công nghệ và tài chính, làm dấy lên lo lắng kinh tế hai nước sẽ tách rời.

CNBC dẫn lời ông Tập phát biểu tại hội nghị trực tuyến giữa các lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp APEC CEO: "Trung Quốc chắc chắn sẽ không đi theo con đường ngược với lịch sử, không tìm cách "tách rời" hoặc tạo ra "nhóm nhỏ" đóng chặt và khép kín".

Ông Tập cũng nói rằng Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế quan và kí kết thêm hiệp định thương mại tự do. Nhưng ông không trực tiếp gọi tên nước Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ đã áp thuế quan lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa của nhau trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng dưới thời gian cầm quyền của Tổng thống Trump.

Hiện chưa rõ liệu Tổng thống đắc cử Joe Biden có thu hồi lại thuế quan hay không nhưng giới phân tích nhận định nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.

Cuối tuần trước, Trung Quốc đã kí kết thỏa thuận thương mại khổng lồ với 14 nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm gần một phần ba dân số toàn cầu.

RCEP được kí kết bởi 10 nước thuộc khối ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia.

Trong năm nay, châu Á – Thái Bình Dương đã thay thế Mỹ và châu Âu để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, Morgan Stanley chỉ ra trong báo cáo ngày 18/11.

EU và Trung Quốc đang thúc đẩy thỏa thuận đầu tư của riêng họ, mặc dù tiến độ đàm phán chậm chạp đã làm lu mờ hi vọng về lễ kí kết vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu vào đầu tháng 11, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ nỗ lực để "đẩy nhanh" các cuộc đàm phán về thương mại Trung Quốc - EU, cũng như hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc.

Duy trì quan hệ kinh doanh tốt với các nước khác là điều quan trọng đối với Trung Quốc, ngay cả khi nước này đã trở thành cường quốc kinh tế. Các nhà phân tích cho biết chính quyền ông Biden có thể giúp Mỹ tạo dựng được chiến lược gắn kết với đồng minh nhằm chống lại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể trong nền kinh tế Trung Quốc, bất chấp nỗ lực của chính quyền nhằm thúc đẩy vai trò của tiêu dùng nội địa.

Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo ra việc làm và thu nhập cho địa phương. Các tập đoàn đa quốc gia cũng quan tâm đến thị trường Trung Quốc vì qui mô khổng lồ và tốc độ phát triển nhanh chóng của nước này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn về các chính sách ưu đãi chính phủ Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp trong nước. Bắc Kinh khẳng định sẽ cho phép doanh nghiệp nước ngoài tăng cường khả năng tiếp cận với thị trường Trung Quốc, nhưng tiến độ phụ thuộc vào ý thích của Bắc Kinh.

"Tôi muốn nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết mở cửa, và cánh cửa lớn sẽ ngày càng mở rộng ra", ông Tập phát biểu hôm 19/11.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy tự do hóa và tăng cường sự thuận tiện cho thương mại và đầu tư, đàm phán và kí kết các hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với nhiều quốc gia hơn".

Ông Tập nói thêm rằng Trung Quốc sẽ tích cực tham gia vào thương mại và hợp tác song phương và đa phương, đồng thời "tạo ra một nền kinh tế mở với chất lượng cao hơn".

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.